Cảm nhận của anh chị về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc qua đoạn thơ sau
Ta về, mình có nhớ ta .. Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Việt Bắc – bản tình ca Tây Bắc do đại thi hào dân tộc Tố Hữu đã viết lên để hồi tưởng lại Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng với nhân dân Tây Bắc thân yêu. Ở nơi ấy, không những có tình người thiêng liêng, đẹp đẽ mà thiên nhiên cũng thật nên thơ và trữ tình :
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Việt Bắc
Đại thi hào dân tộc Tố Hữu đã dành rất nhiều tình cảm chân thành và sâu sắc khi cất bút viết lên những vần thơ đơn sơ, mộc mạc này. Đơn sơ giống như con người Việt Bắc thân yêu và mộc mạc như những tấm chân tình mà họ dành cho người lính ở phương xa. Con người và thiên nhiên đã hòa vào nhau trở nên gắn bó thân thiết dường như không thể tách rời. Để khi xa vắng, khi nhớ lại những kỉ niệm khó phai ấy, Tố Hữu đã tự đưa ra câu hỏi mang đậm tình thân thắm thiết :
Ta về, mình có nhớ ta ?
Câu thơ ngắt nhịp 2/4 ngay sau cụm từ Ta về như một tiếng nấc lòng nghẹn ngào, bịn rịn của người đi và kẻ ở. Ta với mình tuy hai mà một. Và mình với ta tuy không cùng chung một mẹ, cũng không chung một nơi sinh ra nhưng luôn cùng chung một chí hướng là hướng về Tổ quốc thân yêu. Và trong suốt Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng, mình với ta đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu gian khó, biết bao nhiêu cay đắng ngọt bùi dưới mưa bom bão đạn. Có người đã vĩnh viễn nằm xuống trên chiến trường xa xôi, có người bỏ lại một phần cơ thể mình trên ấy. Tất cả vì một lí tưởng cao đẹp quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giờ phút này, trong niềm vui hân hoan chào đón độc lập trở lại trên quê hương, cũng là lúc mình và ta phải chia tay nhau. Làm sao ta quên được những hoa cùng người của vùng đất ta đã gắn bó trong những tháng ngày gian khổ nhất của chiến tranh. Gian khổ là vậy nhưng dù thế nào đi nữa, thiên nhiên nơi đây vẫn hiện lên một cách rất nên thơ với hình ảnh đậm chất Tây Bắc :
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng
Trong rừng chuối xanh ngắt bao la với màu đỏ tươi của hoa chuối làm nên một khung trời rực rỡ, vừa dân giã hoang sơ, vừa gần gũi giản dị đúng như con người Việt Bắc qua hình ảnh Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng. Câu thơ gợi lên cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây, họ lên nương lên rẫy, gài dao qua thắt lưng để làm việc, họ cần mẫn, chăm chỉ làm việc dưới ánh nắng chói chang. Dù mệt mỏi hay vất vả, họ vẫn không hề nản chí, ngược lại luôn cố gắng hết sức mình.
Xuân đến, Việt Bắc lại càng nên thơ hơn, đẹp hơn và lãng mạn hơn bao giờ hết với rừng mơ hoa nở trắng xóa. Trong cảnh ấy, con người lại xuất hiện với công việc chuốt từng sợi giang để đan nón. Bàn tay khéo léo của ai kia khiến cho nhà thơ nhung nhớ, quyến luyến và bịn rịn trong giây phút chia xa.
Hạ đến Ve kêu rừng phách đổ vàng, có cô em gái hái măng một mình. Rồi khi thu đến, mọi người quây quần bên nhau cất lên tiếng hát ân tình thủy chung. Xuyên suốt bốn mùa ta với mình luôn gắn bó bên nhau. Và trong suốt bốn mùa ấy, mùa nào cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc cũng luôn rực rỡ theo một cách riêng. Còn con người luôn chân chất giản dị, chịu thương chịu khó, luôn ăm ắp nghĩa tình. Đơn giản vì họ luôn giàu tình yêu thương, luôn sống với nhau bằng tất cả những gì mình có dù trong tất cả, họ không giàu có, cũng không có gì giá trị cao sang bằng bạc tiền, nhưng mọi thứ đều xuất phát từ tấm chân tình cao quý, thiêng liêng. Họ lên rẫy, lên nương, họ chuốt từng sợi giang đan nón và hái những búp măng non nhất, ngon nhất… Tất cả đều vì mục đích phục vụ cho dân quân, cho cách mạng. Họ luôn là hậu phương vững chắc vô cùng cho những người lính vững tay súng trên chiến trường đạn bom.
Lãng mạn và thuần khiết, thiên nhiên và con người nơi đây thật khiến cho lòng người nhung nhớ. Hơn thế nữa, Tố Hữu lại là một trong những người đã được sống trong ân tình thiêng liêng ấy, được hòa mình với thiên nhiên ấy. Làm sao có thể nào quên được khoảng thời gian đã gắn bó bên nhau. Từng lời thơ, từng câu chữ của nhà thơ cất lên như đang dẫn lối cho người đọc bước chân lên Việt Bắc và gặp gỡ những con người nghĩa tình nặng sâu. Giờ đây, chiến tranh không còn nữa, nhưng tình người vẫn còn mãi và vẻ đẹp đơn sơ của Việt Bắc cũng vẫn mãi bình yên, giản dị như từng xuất hiện trong vần thơ của đại thi hào dân tộc Việt Nam – Tố Hữu.
>>> XEM THÊM :
-
Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính
-
phân tích giá trị hiện thực vợ chồng a phủ
-
phân tích hồn trương ba da hàng thịt