Thu, 09 / 2018 3:46 am | admin

Đề bài.Cảm nhận của anhc hị về hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau : Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc… Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Có chiến tranh nào không có mất mát đau thương dù là người thắng hay kẻ thua ? Đã có biết bao nhiêu bài thơ nói về chiến tranh nhưng có lẽ đoạn thơ dưới đây của Quang Dũng đã ghi lại một cách rõ nét nhất về những hi sinh, những đau thương mà người lính đã tình nguyện cam chịu trong tháng ngày dưới mưa bom bão đạn :

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Loading...

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Đoạn thơ trích trong bài Tây Tiến được Quang Dũng viết khi nhớ khoảng thời gian đã gắn bó cùng đoàn quân Tây Tiến. Là một trong những người lính của đoàn quân ấy, Quang Dũng hiểu hơn ai hết những vất vả, những đau thương mà người lính gánh chịu. Nhưng hơn hết ở họ vẫn luôn ánh lên lòng quyết tâm và sự bất khuất trước kẻ thù.

Đoạn thơ đã khắc họa lại hình ảnh bi tráng của người lính Tây Tiến trên đường hành quân đầy gian nan vất vả. Những cơn sốt rét rừng cùng với sương gió của nơi rừng thiêng nước độc đã làm cho họ trở thành đoàn binh không mọc tóc. Nghe có vẻ phi lí vì không ai có thể chủ động cho tóc mình mọc hay không mọc. Và trên thực tế, tóc các anh không mọc được vì những cơn sốt rét rừng, vì phải trải qua những đêm dài phủ đầy sương gió. Nhưng từ trong câu thơ của Quang Dũng, sự thật ấy lại hiện lên một cách rất hóm hỉnh và vô tư. Có vẻ như các anh không thèm mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc được. Điều đó cho thấy tư thế chủ động và tinh thần luôn sẵn sàng bất chấp mọi khó khăn, thử thách của người lính. Dù trước đó, các anh là những người thanh niên của đất hà thành, chưa từng phải trèo đèo lội suối, vượt thác, vượt ghềnh. Nhưng khi đất nước cất tiếng gọi, các anh đã bỏ lại tất cả để lên đường nhập ngũ, học cách cầm súng và sẵn sàng băng mình qua hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác. Sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn, lại thêm địa hình hiểm trở, hẳn không ai tránh khỏi những trận sốt rét hoặc bị con vắt, con đỉa cắn khiến cho mặt mũi xanh xao gầy gò. Nhưng trước thực tế ấy, Quang Dũng lại viết :

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Tác giả không hề cường điệu hóa sự thật, cũng không hề để sự thật hiện lên một cách quá trần trụi bởi trong đó có sự hi sinh và lòng dâng hiến của những người lính yêu quê hương, yêu đất nước, luôn hết lòng vì cách mạng. Bởi thế, dù có ốm yếu hay xanh xao, các anh vẫn luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Và rồi, mỗi khi đêm về, điều khiến các anh thổn thức, nhớ mong chính là hình bóng của người yêu ở nơi quê nhà xa xôi :

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Vì tình yêu đất nước, các anh đã hi sinh tình yêu của đời trai trẻ, của bản thân mình. Sự hi sinh ấy thật lớn lao và cao cả biết nhường nào. Nói đến tình yêu đôi lứa, ai là người muốn rời xa người mình yêu ? Và ai khi xa không mong không nhớ không thổn thức từng ngày từng đêm ? Nhưng vận mệnh đất nước ở phía trước đang trông chờ vào các anh, làm sao có thể không lên đường cho được ? Dẫu biết rằng nơi chiến trường ra đi chưa biết ngày trở về, nhưng vì đất nước, vì những ước mơ tươi đẹp của đàn em thơ, các anh đã hi sinh tất cả để lên đường.

Người đi, kẻ ở, không ít người đã bỏ lại mình trên miền đất xa xôi :

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Câu thơ khiến người đọc ngậm ngùi rơi nước mắt nhưng lại tự hào vì những người lính đã hi sinh rất thiêng liêng, cao cả. Rất có thể vừa mới đêm hôm qua, anh còn mơ Hà Nội dáng kiều thơm, còn nhớ về lời thề nguyền hẹn ước với người yêu thuở nào, nhưng ngay trong hôm nay anh đã nằm xuống, bỏ lại tất cả và chẳng tiếc đời xanh, chẳng tiếc những dự định, những ước mơ trở lại trong ngày chiến thắng.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Giọng thơ lắng xuống, nhưng không phải vì thế mà làm nản chí những người lính đang hành quân. Ngược lại, các anh vẫn luôn vững bước, luôn quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đồng đội mình đã ngã xuống, hãy tiếp tục tiến bước để lấy lại vinh quang cho họ, khiến cho sự hi sinh ấy không trở thành vô ích.

Nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa rất thành công hình ảnh bi tráng của người lính Tây Tiến qua những câu thơ trên. Dù mất mát, dù hi sinh, nhưng tất cả đều quyết tâm vượt qua đau thương, dấn thân mình vào trong bom đạn để dành lấy hòa bình cho non sông, đất nước. Câu thơ vừa chân thực, vừa hóm hỉnh và có chút phóng đại không những nói lên sự thật về những khó khăn, giản khổ mà người lính phải vượt qua, mà còn thể hiện tư thế sẵn sàng, tinh thần chủ động và tấm lòng quyết tâm của họ trong mọi gian nan thử thách của chiến trường. Có thể những dáng kiều thơm sẽ không còn gặp lại người yêu của mình nữa, nhưng hàng nghìn thế hệ sau sẽ còn nhớ mãi công ơn các anh – những người lính Tây Tiến quả cảm, can đảm và bất khuất.

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục