Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn
Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba.
Trời thật đẹp. Bình minh đang lên. Gió mơn man nhẹ nhàng khẽ rung giọt sương long lanh trượt trên mình tôi lăn xuống đất. Trong khi những cây lau khác đang vươn mình trong ánh nắng ban mai, tôi lặng lẽ ngắm nhìn dòng sông Hoàng Giang đang trôi nhẹ thật bình yên. Những ánh nắng nhẹ nhàng chiếu xuống lấp lánh làm đoạn sông thêm sinh động, vui mắt. Bên kia bờ, lác đác một vài người đánh lưới bắt đầu lên thuyền đi làm công việc hàng ngày của mình. Đàn chim bừng tỉnh trong những lùm cây, bay tung lên giữa bầu trời hót líu lo. Dù chỉ là một cây lau bé nhỏ bên bờ sông Hoàng Giang nhưng tôi vẫn luôn thấy thế giới tươi đẹp làm sao. Đang đắm chìm trong những cảm giác lâng lâng của bình minh mới lên, bỗng một người con gái bước đến đứng bên tôi, trầm ngâm lặng thầm.
Tôi chưa từng thấy người ấy bao giờ. Một người con gái rất xinh đẹp, mái tóc dài, nàng mặc bộ y phục dài trắng thướt tha. Nhưng trên khuôn mắt phúc hậu của nàng đang từ từ lăn xuống hai hàng lệ đau thương. Từ sâu thẳm trong ánh mắt nàng, tôi nhận ra nàng đang tuyệt vọng và rất đau khổ. Người con gái ấy đứng nhìn xa xăm, đôi mắt như vô hồn, lệ cứ thế rơi. Và rồi, nàng cất lên những lời bi ai:
– Kẻ bạc mệnh này tên Vũ Nương, duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xn ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.
Nói xong, nàng gieo mình xuống sông mà chết. Hình ảnh chiếc áo trắng lập lờ trong nước rồi chìm hẳn cứ ám ảnh tôi mãi. Tiếc rằng tôi cũng chỉ là một cây lau yếu ớt, đu đưa theo chiều gió nên chẳng thể làm gì để cản ngăn người con gái ấy tội nghiệp ấy lại. Thiết nghĩ phải có điều oan khuất lắm người ta mới phải tìm đến cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của mình như vậy. Nhưng chẳng lẽ không còn cách nào khác ngoài cái chết sao? Suy nghĩ của con người khó hiểu quá.
Mãi cho tới trưa, có chàng Trương Sinh cùng một vài người nữa ra bến sông tìm vớt thây người con gái đã chết oan. Nghe mọi người nói chuyện, tôi mới biết Trương Sinh là chồng của cô gái ấy. Nhưng không ai biết vì sao nàng lại âm thầm lặng lẽ tìm đến cái chết. Trương Sinh không nói gì, tìm mãi nhưng vẫn không thấy tăm hơi xác vợ đâu cả.
Hai hôm sau Trương Sinh quay trở lại bến, chàng đứng đúng chỗ Vũ Nương đã gieo mình xuống sông mà than rằng:
– Vũ Nương, ta xin lỗi. Ta đã trách lầm nàng. Thì ra ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản. Khi nghe con nói ở nhà có một người cha ngày nào cũng đến với mẹ, ta đã vội vàng nổi lòng ghen mà không nghe nàng giải thích. Giờ có hối hận mấy cũng muộn màng quá rồi. Kẻ nhu nhược này biết làm gì để bù đắp lại cho nàng đây ? Khi mà ta không thể khiến nàng quay trở lại được nữa…
Trương Sinh quỳ gối, gục đầu xuống khóc, tay bấu chặt lấy đám cỏ lau dưới chân. Những tiếng khóc muộn màng, hối lỗi. Vũ Nương đã mãi mãi rời xa không thể nào quay lại được nữa. Mặt trời lên cao, soi xuống dòng sông ánh lên những ngôi sao lấp lánh diệu kỳ. Sự hối hận của Trương Sinh không thể mang Vũ Nương quay trở lại nhưng ít nhất cũng đã rửa được mối oan ức cho nàng, trả lại sự trong sạch cho người vợ chung thủy, nết na.
Đêm hôm ấy, giữa ánh trăng huyền ảo, bóng dáng của một người con gái mặc bộ áo dài trắng thướt tha lập lờ xuất hiện giữa dòng sông. Nàng tiến gần về phía bờ, đi cùng nàng là Phan Lang – người làm nghề chài lưới bấy lâu ở bến sông này, tôi đã quá quen thuộc. Nàng nói với Phan Rằng :
– Vũ Nương chỉ có thể tiễn ông tới đây thôi. Xin ông bảo trọng.
Phan nói :
– Nương tử nghĩa khác Tào Nga, hờn không Tinh Vệ mà phải ôm hận gieo mình xuống nước. Nay thóc cũ không còn, thóc mới vừa gặp, há lại không tưởng nhớ đến quê hương ư ?
Vũ Nương nói :
– Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa !
Phan nói :
– Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao ?
Nghĩ đến đấy, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng :
– Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.
Rồi Vũ Nương đưa gửi cho Phan Lang một chiếc hoa vàng mà dặn :
– Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bên sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về.
Hóa ra, Vũ Nương được các tiên trong cung nước thương vì vô tội, đã rẽ cho nàng một đường nước thoát chết, xuống thủy cung ở. Nói xong, Phan Lang quay trở về nhà, còn bóng Vũ Nương lại xa dần xa dần rồi mất hẳn.
Sáng sớm hôm sau, Trương Sinh đã chuẩn bị mang đồ lễ ra lập một đàn tràng ba ngày ba đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đường ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.
Trương Sinh vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào :
– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phí, đã thề sống chết không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.
Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến mất. Chỉ còn lại mình Trương Sinh ngồi đó thẫn thờ, khóc lóc, ánh mắt đau khổ như ngóng nhìn bóng Vũ Nương xuất hiện thêm một lần nữa.
Sự nóng giận, ngu muội của Trương Sinh không những giết chết trái tim một người con gái thủy chung, nghĩa tình sâu nặng, hiền dịu nết na mà còn tự đánh mất hạnh phúc của chính mình. Vì vậy, phàm làm người hãy biết lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo, đừng vì giây phút nóng giận mà gây nên lỗi lầm để rồi hối hận muộn màng, vô vọng.
>>> XEM THÊM :
-
Phân tích bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
-
Phân tích bài cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ
-
Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi