Đề bài : Chứng minh tính sử thi lãng mạn qua Rừng Xà Nu
Sinh ra là một người con đất Việt, tôi yêu biết mấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những dòng sông xanh soi tóc những hàng dừa cao, yêu những người dân cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Tất cả những điều ấy đã trở thành nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn của người nghệ sĩ. Nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, làm sao tôi có thể quên một Tun, một cụ Mết trong "rừng Xà Nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bởi họ chính là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc. Đây là một tác phẩm mang tính sử thi lãng mạn sâu sắc.
Sau khi cuộc chiến Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Pháp kí hiệp định Giơnevo với ta, theo đó nước ta bị chia cắt làm hai miền. Nhưng không dừng lại ở đó, kẻ thù phá hoại hiệp định, khủng bố, tàn sát, lê máy chém đi khắp Miền Nam, cách mạng nước ta rơi vào thời kì đen tối. Đầu năm 1965, Mỹ đổ quân ào ạt vào Miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc. "Rừng Xà Nu" được viết vào đúng thời điểm cả nước ta đang trong không khí sôi sục đánh Mỹ. Dân tộc ta bước vào cuộc chiến một mất một còn với đế quốc Mỹ. Thông qua những câu chuyện kể về những con người anh hùng ở một buôn làng bên cánh rừng Xà Nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không còn cách nào hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù.
Rừng xà nu
Chúng ta hiểu khuynh hướng sử thi trong văn học là gì? Theo tôi, sử thi có nghĩa là những vấn đề liên quan đến lịch sử và có tính chất rộng mang đặc tính tốt đẹp đại diện cho toàn nhân loại. Và điều này đã được thể hiện rất rõ trong "rừng Xà Nu". Khuynh hướng sử thi trước hết được hiện lên khá rõ qua đề tài hay còn gọi là chủ đề của tác phẩm. Ngay từ những câu văn mở đầu, chúng ta đã thấy hiện lên sự ác liệt của cuộc chiến tranh. Nói đến chiến tranh, ắt sẽ có chuyện sinh tử. Nhưng đây không phải là chuyện sống chết của riêng một cá nhân nào đó, suy rộng ra đó là một vấn đề hết sức hệ trọng không chỉ của riêng cộng đồng Xô Man mà của cả đất nước Việt Nam này. Dân làng Xô Man như đại diện cho vận mệnh của dân tộc. Thời điểm đó chính là lúc cách mạng Việt Nam đang lâm vào thời kì hết sức khó khăn, có thể nói là "ngàn cân treo sợi tóc". Và cuộc đồng khởi đã bùng nổ. Bởi trước sự tàn ác của kẻ thù, nhân dân miền Nam chỉ có một con đường duy nhất là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu giải phóng quê hương. Và đó cũng chính là cuộc đồng khởi của dân làng Xô Man. Như vậy, ta thấy chủ đề tác phẩm đã nhuốm màu sử thi quá đỗi đậm nét.
Kế đó là nhân vật trong sử thi, như Tnu, cụ Mết, Dít,..họ đều có một điểm chung, đó chính là ở họ có sự kết tinh cao độ những phẩm chất mang tính tiêu biểu cho cả cộng đồng như: là người gắn bó với dân làng, trung thành với cách mạng, căm thù giặc sâu sắc, kiên cường bất khuất, dũng cảm trong chiến đấu, hi sinh quên mình… Tất cả những phẩm chất ấy nó gắn liền với vận mệnh của cả cộng đồng. Điều đáng chú ý ở đây là các nhân vật trong truyện ngắn này được xây dựng theo hệ thống các thế hệ nối tiếp. Từ cụ Mết – cội nguồn của Tây Nguyên còn trường tồn đến hôm nay; đến Tnu – thế hệ trải qua mất mát, đau thương tột cùng đang tiếp nối trong cuộc chiến và bé Dít, bé Heng đang trưởng thành nhanh chóng. Tất cả những nhân vật ấy đều có một số phận chung với buôn làng, với cách mạng dân tộc, vì vậy nó cũng góp phần thể hiện rõ nét tính sử thi của "rừng Xà Nu".
Về nhân vật, người già nhất trong tác phẩm, người đọc chúng ta ai cũng biết đến chính là cụ Mết. Một già làng không mệt mỏi, là người đứng đầu có tác phong trang trọng, đàng hoàng, có phong độ uy nghi đĩnh đạc và có uy tín lớn trong làng. Với tôi, cụ như một người cha tinh thần truyền ngọn lửa của khát vọng tự do, giải phóng và trở thành linh hồn của phong trào Đồng Khởi của dân làng Xô Man. Cụ được nhà văn Nguyễn Trung Thành miêu tả là một cụ ông khỏe mạnh, quắc thước như một bức tượng đồng hun, như "cây cổ thụ giữa buôn ngàn", "ngực vồng cao như thân cây Xà Nu lực lưỡng", tay rắn chắc như hai gọng kìm, tiếng nói thì trầm vang cả núi rừng. Nhắc đến cụ là nhắc đến chân lý giản dị nhưng lại vô cùng thực tế và có ý nghĩa sâu sắc đối với vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ, đó là: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Câu nói ấy như một lời tuyên ngôn hùng hồn khẳng định một ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ quê hương của người dân Xô Man nói riêng, của cả dân tộc nói chung. Và cũng chính câu nói ấy nó đã cho ta thấy cái đầu nhạy bén, sáng suốt của người lãnh đạo, tô đậm ý nghĩa lịch sử.
Những thế hệ nối tiếp nhau
Tiếp đến là thế hệ của Tnu, Dít, Mai,bé Heng…là thế hệ măng non nối tiếp măng già cụ Mết. Nói đến Tnu, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu tôi, đó là đôi bàn tay của anh. Có lẽ nhà văn Nguyễn Trung Thành của chúng ta dường như đã cố tình tô đậm hình ảnh này, bởi ẩn chứa trong đó là cả một lịch sử, một số phận. Kẻ thù thật ác độc, chúng ra tay tàn ác mà không chùn bước vì điều gì cả, khiến Tnu và cả gia đình anh phải chịu bao đau thương mất mát. Nhưng cũng chính nhờ hoàn cảnh ấy đã hun đúc nên một Tnu có nhiều phẩm chất đáng quý. Cuộc đời anh đã minh chứng cho điều tất yếu rằng : "phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng".
Ngoài ra, khuynh hướng sử thi còn được thể hiện qua việc lựa chọn xây dựng hình ảnh trong tác phẩm. Ta dễ nhận thấy rằng hình ảnh xuyên suốt, giống như tên tác phẩm của nó là rừng Xà Nu. Ngoài mang nghĩa thực thì Xà Nu còn mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống và phẩm chất của người dân Xô Man nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Tác giả đã luôn đặt hình ảnh cây Xà Nu trong sự đối chiếu với con người, gợi ra những liên tưởng về phẩm chất tốt đẹp vốn có của chúng ta. Bất chấp sự tàn phá của kẻ thù, cây Xà Nu vẫn cứ vươn lên với sức mạnh mãnh liệt, không gì có thể tàn phá nổi.
Góp phần vào việc tô đậm nét sử thi không thể không kể đến giọng văn tha thiết, có phần trang trọng của tác phẩm. Giọng văn ấy có một sức hút mạnh mẽ, cứ cuốn theo ta đi vào câu chuyện ấy mà không thể nào cưỡng lại được. Phải công nhận lời văn của tác giả quá đỗi trau chuốt, mang một cái gì đó tráng lệ, hào hùng của mọi thứ từ con người đến cảnh vật nơi đây.
"Rừng Xà Nu" của Nguyễn Trung Thành là một tượng đài lộng lẫy về vẻ đẹp của con người Việt Nam ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng, mang đậm không khí sử thi với một âm vang trầm hùng và bút pháp đồ sộ. Thời gian vẫn không ngừng trôi đi, bụi đã phủ mờ lên những trang văn, lịch sử thì không ngừng biến đổi, nhưng viên ngọc quý "Rừng Xà Nu" mãi mãi tỏa sáng không tì vết, như một bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng, lưu trữ lại quá khứ hào hùng của đất nước Việt Nam một thời. Giờ lật lại trang sách, tôi không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của những người con đất Việt. Và "Rừng Xà Nu" càng khiến tôi thêm yêu, thêm tự hào về đất nước mình.
>>> XEM THÊM :