" Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ dưới chợ biết vào tay ai ".
Lời ca dao tha thiết ấy đã đi vào sâu thẳm tâm trí của mỗi người Việt Nam. Nó là tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa cho số phận bất hạnh người phụ nữ thời xã hội phong kiến. Họ bị chà đạp về mọi mặt bởi một xã hội bất công. Không chỉ trong ca dao, hình ảnh người phụ nữ cũng được nhắc đến một cách sâu sắc trong tác phẩm văn học. Trong đó không thể không kể đến bài thơ " Bánh trôi nước ", " Tự tình "(bài II) của Hồ Xuân Hương và " Thương vợ " của Trần Tế Xương. Mỗi tác phẩm đều nói lên nỗi đau khổ của người phụ nữ, làm cho người đọc phải thấm thía, xót xa, đồng thời ta cũng cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn trong con người họ.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải chịu số phận bi thương, chính vì thế mà trong " Truyện Kiều " Nguyễn Du đã thốt lên rằng:
" Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Câu thơ thấm đẫm nỗi xót xa, ai oán như một lời than phẫn uất trước định mệnh bất công. Số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa là như vậy. Họ đâu tự quyết định được số phận của mình. Cuộc đời của họ không khi nào được vui vẻ, hạnh phúc chưa bao giờ đến với họ. Xã hội ấy chẳng ai có thể quên được những luật lệ tam tòng tứ đức, thúc ép người phụ nữ sống trong khuôn khổ gò bó của lễ nghĩa, tôn ti, bị bóp nghẹt về quyền sống. Tuy khác nhau, một bên là phụ nữ viết về phụ nữ, một bên là nam giới nhìn về phụ nữ, song ở chùm thơ " Bánh trôi nước ", " Tự tình "(bài II) và " Thương vợ " điều ta dễ nhận thấy là cả hai nhà thơ đều gặp nhau ở sự đồng cảm với vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như số phận long đong, bất hạnh của họ.
Nỗi đau của người phụ nữ
Người phụ nữ từ xưa đến nay luôn là hiện thân của cái đẹp, họ mang trong mình một vẻ đẹp hoàn hảo và riêng biệt. Không phải tự nhiên cổ kim đều ngợi ca phái nữ là phái đẹp: đẹp cả ngoại hình, đẹp cả tâm hồn, việc làm, hành động. Trong tác phẩm " Bánh trôi nước " của nữ sĩ Hồ Xuân Hương hiện lên hình ảnh người con gái " Thân em vừa trắng lại vừa tròn ". Hóa thân vào viên bánh trôi bé nhỏ, người phụ nữ tự sự về mình, họ ý thức được vẻ đẹp ngoại hình của chính họ. Đó là vẻ đẹp tự nhiên, dân dã, không chăm chút mà mộc mạc, tự nhiên mà không kém phần duyên dáng với làn da trắng mịn màng. Đó chính là vẻ đẹp của người con gái lao động hay chăm làm, đầy mạnh mẽ chốn thôn quê. Chiếc bánh trôi nước làm bằng bột nếp trắng tinh, mịn màng, tròn trịa và xinh xắn, khiến người ta liên tưởng tới vẻ đẹp của những cô gái đương xuân. Tạo hóa sinh ra họ là để duy trì và phát triển sự sống của nhân loại, đồng thời làm đẹp cho đời. Hay trong " Tự tình ", hồng nhan gợi lên một người con gái yêu kiều đang trong độ tuổi thanh xuân, tràn đầy sức sống. Nhưng ở đây vẻ đẹp ấy lại được gọi bằng ba chữ " cái hồng nhan ". Gọi như vậy đã mặc nhiên thừa nhận cái đẹp ở phái yếu. Không những vậy, nữ sĩ còn đặt cái đẹp ấy đối sánh cùng non nước: " Trơ cái hồng nhan với nước non ". Nhịp thơ 1/3/3 đã nhấn mạnh từ " trơ ", tức là phơi ra, lộ ra. Phơi ra, lộ ra điều gì? Nhịp thơ đặc biệt trên đã trả lời, đó là mối tương quan giữa " cái hồng nhan " và " non nước ". Viết như vậy để thấy được vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ của " cái hồng nhan ".
Không chỉ đẹp về nhan sắc, cái đẹp của người phụ nữ còn được thể hiện ở tâm hồn. Nhắc đến người phụ nữ là nhắc đến những đức tính quý của con người: tảo tần, chịu thương chịu khó, thủy chung son sắt, tận tụy hết lòng vì chồng con, không quản nhọc vất vả. Bằng tình thương vô bờ đối với vợ, Tú Xương đã không kìm nén sự cảm phục đức tần tảo của bà Tú:
"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông "
Bà Tú hiện lên thật vất vả. "Mom sông" là phần đất ở bờ nhô ra phía lòng sông, khá nguy hiểm, có thể sạt lở bất cứ lúc nào, tàu thuyền thường ghé qua để buôn bán trao đổi nhanh chóng. Vậy mà đó là nơi bà Tú quanh năm suốt tháng buôn bán, đối mặt với vất vả, hiểm nguy. " Quãng vắng " thì đơn chiếc, " đò đông " thì sớm sủa, lam lũ. Đã vậy hai từ " lặn lội ", " eo sèo " lại được đảo lên để khắc sâu vất vả một đời làm vợ của bà Tú. Nuôi nấng bấy con nheo nhóc với một người chồng " vô tích sự ". Dường như mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai của bà, bà phải làm công việc nguy hiểm, nhọc nhằn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vậy mà bà không hề than thân trách phận, một mình chịu đựng, bà tự coi đó là trách nhiệm của mình. Đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ thật là đáng quý.
Hồ Xuân Hương trừu tượng và khái quát hơn khi nhắc đến nét đẹp trong phẩm chất của một nửa yếu mềm trong thế giới. Họ trải qua bao nhiêu long đong, lận đận " bảy nổi ba chìm với nước non ". Nhà thơ luôn đặt người phụ nữ sánh với " non nước ". Cách viết ấy đối lập với quan niệm xã hội, khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong đời sống đất nước. Dẫu gian nan, chìm nổi, dẫu bị dập vùi giày xéo " rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn " nhưng ở người phụ nữ ấy vẫn sáng ngời vẻ đẹp thủy chung son sắt: "Mà em vẫn giữ tấm lòng son". Từ đầu đến cuối bài thơ " Bánh trôi nước " nữ sĩ vẫn mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để viết về người phụ nữ. Viên đường thắm đỏ mà bánh trôi bao bọc, ôm ấp bên trong như tấm lòng son sắt thủy chung, là tâm hồn trung trinh với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bước vào thơ ca, vẻ đẹp người đẹp nết của người phụ nữ được tô đậm ngợi ca thật sâu sắc.
Những người phụ nữ đẹp và đức hạnh như thế đáng ra phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm êm. Nhưng với người phụ nữ xưa, chân lý ấy quá xa vời. Với họ " hồng nhan " là " bạc mệnh ", gánh chịu nhiều đau khổ, oan trái.
"Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn "
Viên bánh trôi dẫu xinh xắn, đẹp đẽ nhưng vẫn phiêu bạt " bảy nổi ba chìm " đến số phận cuộc đời mình cũng không thể tự chủ. Có bao giờ trong xã hội phong kiến người phụ nữ được sống cho riêng mình? Cả cuộc đời chỉ biết lê gót theo chân kẻ khác… Hồ Xuân Hương đã cảm thông sâu sắc với thân phận của người phụ nữ và bà cũng chính là nạn nhân chế độ đa thê của phong kiến đương thời " vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn…. Mảnh tình san sẻ tí con con ". Chao ôi, còn gì bẽ bàng hơn với người phụ nữ! Hồ Xuân Hương như muốn đay nghiến, mỉa mai chính bản thân mình, cảm thông cho những người phụ nữ đương thời bị đè nén, áp bức với những thủ tục phong kiến đến mức xơ xác, héo mòn cả một phận hồng nhan. Nỗi đau khi thiếu vắng hạnh phúc lứa đôi, không người yêu thương, thông cảm đối với người phụ nữ còn khổ cực hơn nỗi đau thể xác. Tình cảnh đa thê như muốn cứa sâu vào tâm can của người phụ nữ, làm cho họ mất đi lòng tin vào sự thủy chung. Thật đáng trách những loại đàn ông chỉ coi tình yêu là thứ mua được bằng tiền, coi phụ nữ là để mua vui, tiêu khiển và dễ dàng vứt bỏ. Vậy nên nữ sĩ ngán ngẩm " Xuân đi xuân lại lại " báo hiệu con người càng thêm già, thêm hẩm hiu bẽ bàng. Theo sau sự già nua của tuổi tác còn là sự phai nhạt của tình duyên. " Mảnh tình " đã nhỏ bé, đã bị cắt xén ít nhiều nay phải "san sẻ" lẫn nhau để rồi mỗi người chỉ còn " tí con con ". Cái nhỏ bé mong manh của chút tình hiếm hoi là nguyên nhân gây nên nỗi cô độc, éo le của người thiếu phụ đang độ tuổi rực rỡ.
Còn đối với bà Tú, tuy không phải chịu cảnh đa thê nhưng phải chịu cảnh vất vả cực nhọc của việc gánh vác gia đình, trong sự thờ ơ vô trách nhiệm của người chồng. Những tưởng lấy chồng để chung sức " tát bể Đông" ngờ đâu một duyên hai nợ để anh chồng chỉ là gánh nợ đời đeo bám cuộc đời bà. " Năm tháng mười mưa " vất vả bà đâu có dám than. Bên cạnh nỗi khổ vật chất, bà Tú còn nỗi khổ tinh thần. Bà hết lòng vì chồng con nhưng chồng con nào có biết chăng? Thế nên mới có tiếng thở dài như một lời than não ruột :
"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không "
Có ra mặt ca thán cũng là chồng chửi thay, cuộc đời than giúp. Bà Tú là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam suốt đời chỉ biết hi sinh, chịu đựng cho gia đình, chồng con.
Mặc dù bị trói buộc trong những quan niệm, phong tục cổ hủ và lạc hậu nhưng tâm hồn người phụ nữ vẫn đẹp, vẫn sáng. Kệ cho hoàn cảnh xã hội có thối nát đến đâu, họ vẫn luôn mang trong mình lòng kiêu hãnh, tự hào. Không chỉ biết an phận họ còn vùng lên để đòi bình quyền, hạnh phúc cho mình. Dù có thất vọng, đau xót, chán chường đến mức nào, Hồ Xuân Hương vẫn là một người phụ nữ đầy bản lĩnh. Và sâu thẳm trong tâm trí bà, dù yếu ớt đến đâu vẫn luôn lóe lên một ánh lửa khát khao, hy vọng, không chịu khuất phục, mà muốn vùng lên thay đổi cuộc sống của mình:
"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn "
Người nữ thi sĩ dù buồn dù đau nhưng vẫn gắng gượng vươn lên để thoát khỏi nỗi đau của thực tại. Tiếc rằng cảnh sống đương thời không cho họ cơ hội nên vẫn phải cam chịu số phận định sẵn của mình. Nhưng dù sao chúng ta vẫn trân trọng, cảm phục tư tưởng, bản lĩnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Nói tóm lại hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa hiện lên qua các bài " Bánh trôi nước ", " Tự tình" và " Thương vợ" là những người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang tháo vát, thủy chung son sắt. Nhưng cuộc đời lại đầy rẫy những đau khổ oan trái. Mặc dù vậy nhưng người phụ nữ vẫn luôn tỏa sáng, luôn làm tròn bổn phận của mình, vẫn khao khát mơ ước một cuộc sống đẹp cho mình.
>>> XEM THÊM: