Đề bài: Phân tích bài bài ca ngắn đi trên bãi cát
Trên con đường danh lợi không phải lúc nào mọi thứ cũng óng ả, vàng son như nhiều người thường nghĩ. Cao Bá Quát – người đã từng có nhiều năm tháng cố gắng phấn đấu trên con đường ấy đã ngậm ngùi nhận ra sự thật cay đắng khi không đạt được những điều mình muốn. Sau những buổi vào Kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ, ông buồn rầu, chán nản vô cùng. Khi đi qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị, nhà thơ đã mượn hình ảnh người đi khó nhọc trên bãi cát để hình dung con đường mưu cầu danh lợi đáng chán ghét mà ông buộc phải theo dduoir cũng như sự bế tắc của xã hội nhà Nguyễn. Từ đó, ông đặt bút viết lên bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát.
Cao Bá Quát là nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn là Thánh Quát. Thơ văn ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì tệ, bảo thủ và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX. Bài ca ngắn đi trên bãi cát là một trong khá nhiều sáng tác của Cao Bá Quát thể hiện tâm tư tình cảm của ông trước thực tế đó. Hình ảnh ban đầu mà ta bắt gặp chính là bãi cát trải dài trên con đường mà ông đang đi:
Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc.
Dịch thơ :
Bãi cát lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.
Bãi cát mênh mông, triền miên và mịt mờ. Cát lún dưới chân khiến người lữ khách đi mãi không tiến lên phía trước được. Mệt mỏi và chán trường, nước mắt tuôn rơi, trong lòng nặng trĩu. Còn gì chán nản hơn khi cứ bước hoài bước mãi mà không sao thoát khỏi những đụn cát. Có những lúc gió thổi cát bay, bão táp phong ba làm bước chân người đi thêm nặng nề, trì trệ. Nhưng bãi cát ấy không đơn thuần chỉ là một bãi cát dài trên con đường Cao Bá Quát đi thi, ẩn sâu trong đó là con đường của công danh, của danh lợi mà chính tác giả cũng như nhiều người khác đang theo đuổi. Hình ảnh cát lún dưới chân tượng trưng cho những khó khăn, thử thách và những bất trắc mà người sĩ tử gặp phải. Chính bản thân Cao Bá Quát đã nhiều lần đi thi nhưng không thành. Trong phút giây chán nản, tuyệt vọng, nước mắt ông tuôn rơi ngậm ngùi, thầm lặng và đớn đau.
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi !
Xưa nay, phường danh lợi
Tất tả trên đường đời.
Đầy gió men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người?
Trong sách Thần tiên thập dị kể chuyện Hạ Hầu Ấn lúc leo lúi hay lội nước vẫn cứ nhắm mắt ngủ say, người đi bên cạnh nghe thấy tiếng ngáy mà Ấn vẫn bước đều không hề trượt hay vấp, người đời gọi ông là “tiên ngủ”. Nhà thơ cũng mong sao mình học được phép ngủ đó để vượt qua được những bãi cát dài, vượt qua những khó khăn thử thách của con đường danh lợi tầm thường lặp đi lặp lại khiến cho bao người say mê mù quáng. Tác giả nhận định danh lợi chẳng khác nào men thơm trong quán rượu. Người say vô số, tỉnh bao người? Đã bao nhiêu người đi theo lý tưởng của lợi danh nhưng mấy ai đạt được điều mình mong muốn? Trên bãi cát dài triền miên và mịt mờ, ai sẽ vượt qua những bước cát lún chôn chặt dưới chân?
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?
Thêm một lần nữa hình ảnh bãi cát dài xuất hiện. Nhưng lần này, cùng với sự chán trường, thất vọng, Cao Bá Quát đã có ý định buông xuôi và dừng lại. Bởi Đường ghe sợ còn nhiều, đâu ít? Xung quanh đều là cát trắng mênh mông. Phía bắc, phía nam núi muôn trùng, sóng dào dạt. Tác giả tự đặt ra câu hỏi tu từ đầy ẩn ý: Anh đứng làm chi trên bãi cát? Anh là ai? Là những người đang mải mê đi trên bãi cát mà không có đường ra. Miên man và trải dài, bước chân người lữ khách mỏi mệt biết chừng nào. Và trong số đó, Cao Bá Quát đã chọn cách dừng lại, buông xuôi. Ông nhận ra con đường mình đang đi chỉ là con đường danh lợi tầm thường. Ông khao khát muốn thay đổi cuộc sống. Nhịp điệu bài thơ tương ứng với dòng cảm xúc đang tuôn trào của một người lữ khách chán trường, tuyệt vọng. Cộng thêm những điệp từ bãi cát, lại bãi cát dài càng kéo thêm sự miên man, vô tận của những bãi cát mịt mờ, xa xôi.
Với tác phẩm này, Cao Bá Quát đã mượn hình ảnh người lữ khách đi trên bãi cát xa để bộc lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thời đương thời và niềm mong mỏi thoát khỏi cảnh tượng bi quan, não nề ấy. Nhịp điệu bài thơ góp phần diễn tả thành công những cảm xúc suy tư của nhân vật trữ tình về con đường danh lợi gập ghềnh, trắc trở.
>>> XEM THÊM :
- Cảm nghĩ của anh chị về giá trị hiện thực trong đoạn trích vào phủ chúa Trịnh của cao bá quát
- Phân tích bài chạy giặc của nguyễn đình chiểu
- Tâm trạng của hồ xuân hương trong bài thơ tự tình
- Phân tích bài thơ Tràng Giang