Fri, 08 / 2018 9:43 am | admin

Phân tích bài tỏ lòng của phạm ngũ lão

Bài Làm​

Phân tích bài Tỏ lòng

Bước vào văn học Việt Nam, ta sẽ bắt gặp không ít những bài văn, bài thơ viết về người lính, người chiến sĩ trong suốt bề dày lịch sử của đất nước. Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão là một trong những thi phẩm như thế. Ở đó, ngoài hình tượng lẫm liệt, oai phong của quân đội nhà Trần, ta còn thấy được lí tưởng cao đẹp, ý chí quyết tâm của cả một tầng lớp trẻ luôn sẵn sàng cống hiến cho đất nước.

Bản thân tác giả Phạm Ngũ Lão cũng là người có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, làm đến chức Điện súy, được phong tước Quan nội hầu. Là tướng nhưng ông thích đọc sách, ngâm thơ và từng được ngơi ca là người văn võ toàn tài. Khi sáng tác bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài), Phạm Ngũ Lão đã gửi gắm những lý tưởng cao đẹp của mình vào hình ảnh kiên cường bất khuất của quân đội nhà Trần. Họ là những trang nam nhi rất xứng đáng được vị tướng Phạm Ngũ Lão đưa vào trang thơ:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Loading...

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

Chỉ hai câu thơ ngắn gọn nhưng từ ngữ dứt khoát, giàu hình ảnh đã đủ gợi lên hình tượng oai phong lẫm liệt của quân đội nhà Trần. Họ cầm chắc ngọn giáo trong tay, sẵn sàng đứng bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc. Từ Hoành sóc là động từ mang nội lực rất mạnh, không những diễn tả tư thế hiên ngang của người lính mà còn gợi lên sự quyết tâm và tinh thần sẵn sàng hi sinh của họ. Bất cứ lúc nào, họ cũng luôn cống hiến hết mình, luôn hướng về phía trước. Dẫu năm tháng đi qua, dẫu tuổi trẻ phai mờ, họ vẫn luôn đứng đó, luôn một lòng gìn giữ, bảo vệ đất nước mình. Và nếu như từ giang sơn nói về đất nước rộng lớn mênh mông, thì cụm từ kháp kỉ thu lại mở ra chiều dài về thời gian vô tận. Đó là sự quyết tâm, cũng là lời thề gắn bó với đất nước của những người lính trong quân đội nhà Trần. Từ tinh thần cho đến sức mạnh của họ đều rất mạnh mẽ, tới mức có thể át cả sao trời:

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Giọng thơ vẫn rất hào hùng, đầy tự hào về đội quân đang hừng hực khí thế, đang sẵn sàng đánh trả kẻ thù bất cứ khi nào. Chính tinh thần ấy đã giúp cho quân đội nhà Trần giành được nhiều thắng lợi trong những trận chiến sau này.

Nhưng dù vậy, với lí tưởng cao đẹp, vị tướng Phạm Ngũ Lão vẫn thấy rằng bản thân một người nam nhi cần có thêm những sự cố gắng hơn nữa:

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch thơ:

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Tác giả vừa nhắc nhở những trang nam nhi hãy cố gắng hơn nữa, cống hiến hơn nữa cho nước nhà, vừa thể hiện lý tưởng sống cao đẹp của chính bản thân mình. Trong quan niệm của ông, một người được coi là trang nam nhi khi đã lập được công danh và cống hiến sức mình cho đất nước. Ông hướng tới sự cống hiến trọn vẹn cho nước nhà. Một đấng nam nhi không những tài giỏi mà còn phải mạnh mẽ, can đảm và anh dũng, bảo vệ cho đất nước trước kẻ thù xâm lược. Và ông tự thấy đời mình cống hiến bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vẫn vương nợ với đất nước. Điều đó làm ông hổ thẹn mỗi khi nhắc tới Vũ hầu tức Gia Cát Lượng – người thời Tam quốc có nhiều công lao giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán, được phong tước Vũ Lượng hầu. Việc noi gương những bậc tiền nhân trong lịch sử càng thể hiện lý tưởng sống cao đẹp của Phạm Ngũ Lão. Cả cuộc đời ông phấn đấu vì công danh, sự nghiệp, vì đất nước. Ông không ham mê vinh hoa phú quý của chức quyền, điều khiến ông luôn không ngừng phấn đấu là đưa được đất nước mình đi lên.

Qua bốn câu thơ với giọng điệu mạnh mẽ, sôi nổi, ngôn từ giàu hình ảnh, nội lực, Phạm Ngũ Lão không những cho thế hệ trẻ hôm nay thấy được sức mạnh của quân đội nhà Trần mà còn khích lệ tinh thần của mọi người hãy luôn cố gắng phấn đấu sống hết mình vì những lí tưởng sống cao đẹp. Hãy cố gắng đạt được công danh không phải vì tiền tài địa vị, mà vì dốc sức giúp sức xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn, văn minh hơn.

>>> Xem thêm:

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục