Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Có những nỗi sầu nhân thế mà người ta không thể nói thành lời. Trong những phút giây lặng lẽ và cô đơn như thế, nhà thơ Huy Cận đã mượn thơ nói hộ lòng mình. Ông đã viết lên bài thơ Tràng giang với con sông dài phủ kín tâm tư, nhuốm đậm nỗi sầu đơn chiếc. Huy Cận buồn, một nỗi buồn vô cùng sâu sắc, nhưng trong đó lại ẩn chứa tình yêu quê hương tha thiết và niềm khát khao được hòa nhập với thiên nhiên.
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
Bài thơ mở đầu với lời đề từ rất nhẹ nhàng, tuy lãng mạn nhưng lại chất chứa bao nỗi buồn sâu thẳm. Trời rộng, sông dài, giữa không gian mênh mông, rộng lớn ấy, Huy Cận bắt đầu viết lên những vần thơ đầu tiên :
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Sông dài và rộng thế, nhưng sóng chỉ khe khẽ gợn cho lòng thi nhân gợi lên nỗi buồn điệp điệp. Huy Cận đang đứng trước dòng sông dài và rộng với nỗi buồn mênh mang dàn trải trong lòng. Giá như ông có thể hòa mình vào dòng sống ấy, để những con sóng nhẹ nhàng cuốn trôi đi hết những nỗi buồn kim cổ. Còn thuyền của thực tại đang xuôi mái nước song song, còn con thuyền của thi nhân đang lẻ loi lênh đênh giữa dòng đời. Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả. Nỗi sầu của Huy Cận mỗi lúc càng sâu sắc hơn, đau đáu hơn, lan tỏa ra khắp cảnh vật, khắp đất trời. Không ai hiểu nỗi sầu trăm ngả là sầu như thế nào, nhưng chắc chắn rằng trong tâm trí của nhà thơ lúc này đang nặng trĩu những nỗi buồn không thể nói hết thành lời. Những nỗi sầu không tên. Và dường như một mình Huy Cận không thể chất chứa được hết nên những vật xung quanh ông cũng đều nhuốm màu sầu bi, thương cảm.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, biển cô liêu.
>>> XEM THÊM:
-
Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II
-
Vẻ đẹp hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Tính từ lơ thơ vốn dĩ chỉ sự thưa thớt, vắng vẻ, hiu quạnh lại được đặt ở đầu câu như nhấn mạnh thêm sự đơn độc đang bủa vây Huy Cận. Những làn gió nhẹ vô tri vô giác cũng đủ sức để làm lòng người thêm buồn, thêm tủi. Bức tranh phong cảnh thiên nhiên vẫn có nắng, có gió nhưng khi được cảm nhận qua đôi mắt của người đang buồn, bức tranh ấy cũng mang gam màu trầm lắng, buồn thương. Nắng xuống, trời lên sâu chót vót. Trong cùng một câu thơ có đến tận ba trạng thái khác nhau tồn tại : xuống, lên, sâu, mỗi cảnh vật trở nên rời rạc, đối lập nhau, bỏ lại một người đứng giữa không trung đơn độc, buồn tẻ. Sông dài là thế, trời rộng là thế nhưng biển lại cô liêu. Chỉ một từ cô liêu cũng quá đủ để diễn tả cảm xúc của nhà thơ lúc này. Giữa đất trời bao la, mênh mông, Huy Cận trở nên bé nhỏ vô cùng. Nhưng nỗi sầu trong lòng ông sao lại lớn đến vậy? Không ai sẻ chia, không ai trò chuyện, nhà thơ tìm riêng cho mình một khoảng không vắng lặng. Từng hình ảnh, từng câu thơ mang đậm chất cổ điển và ẩn chứa bao nỗi niềm.
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Sông Tràng giang dài và rộng
Nhìn trời, trời sâu, nhìn gió, gió lơ thơ, nhìn biển, biển cô liêu. Và giờ lại là những cánh bèo hàng nối hàng trôi lững lờ trước mắt. Giọng điệu câu thơ vẫn trầm lặng, vẫn chậm rãi như gặm nhấm những nỗi buồn trong lòng tác giả. Giá như có một chuyến đò ngang qua, có lẽ sự trống trải của Huy Cận sẽ vơi bớt phần nào. Nhưng giữa không gian mênh mông ấy, không một chuyến đò ngang. Không ai cùng thi nhân sẻ chia, tâm sự. Cũng chẳng có một cây cầu nào được bắc qua cho lòng người cảm thấy chút thân mật, chỉ có những bờ xanh lặng lẽ tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Trước khi đặt dấu chấm kết thúc bài thơ, Huy Cận đã kịp trút hết lòng mình với đất trời thiên nhiên. Dù đó chỉ là những nỗi buồn thầm kín nhưng nỗi buồn ấy hòa chung với nỗi sầu nhân thế. Nỗi buồn của riêng mình nhà thơ đang hòa với nỗi buồn chung của đất nước. Những hình ảnh ước lệ đậm chất cổ điển như mây cao, núi bạc, cánh chim, khói hoàng hôn… mỗi một cảnh vật được liệt kê ra đều gắn liền với nỗi buồn sâu thẳm của tác giả. Đồng thời đó cũng là tình yêu quê hương chân thành mà Huy Cận dành cho quê nhà khi bày tỏ nỗi nhớ nhà da diết. Ông hóa thân mình thành cánh chim nhỏ sa vào bóng chiều vắng lặng, buồn tênh. Ở nơi ấy, dù chẳng có khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Qua bài thơ mới mang đậm vẻ đẹp cổ điển, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của "cái tôi" cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha.
>>> XEM THÊM:
-
Phân tích nhân vật Chí Phèo
-
Phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài Từ ấy
-
phân tích khổ thơ thứ hai trong bài Từ ấy