Phân tích cái chết của Chí Phèo
Kết thúc đoạn trích Chí Phèo là cái chết thê thảm của hai nhân vật đại diện cho hai tầng lớp tương ứng: Chí Phèo đại diện cho người nông dân thấp cổ bé họng, bất hạnh khổ đau bị dồn vào bước đường cùng. Bá Kiến đại diện cho giai cấp thống trị, cầm quyền gian ác, bất nhân. Bá Kiến chết hoàn toàn xứng đáng và được nhân dân ủng hộ. Nhưng Chí Phèo – một người nông dân từng rất lương thiện, đã trải qua suốt một cuộc đời đằng đẵng những bi kịch nổi trôi, nay lại phải tự kết liễu sự sống của mình để tìm đến chốn bình an, thanh thản, để thoát khỏi cõi đời đầy khổ đau, tăm tối. Đằng sau cái chết thê thảm ấy, còn biết bao ý nghĩa sâu xa mà nhà văn Nam Cao muốn gửi gắm, muốn dãi bày.
Nam Cao là cây bút chuyên viết về người nông dân cùng khổ. Những nỗi khổ của họ ông đều thấu hiểu. Đứng trước những mảnh đời bất hạnh, nhà văn không cầm được nước mắt, nhưng trong thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ”, chính bản thân ông cũng không thể làm gì giúp họ được. Bằng lòng thương cảm và xót xa chân thành, ông đã viết lên một Chí Phèo đầy bi kịch, đớn đau. Chí khóc, Chí cười, Chí yêu, Chí tuyệt vọng, Chí hi vọng rồi lại tuyệt vọng… và rồi sau cùng Chí kết thúc cuộc đời mình bằng một nhát dao chí mạng.
Chí chỉ là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên đi làm thuê làm mướn sống qua ngày. Khi đến nhà Bá Kiến ở, Chí bị bà ba dâm đãng hãm hại, đẩy vào tù. Cuộc đời tù túng và nỗi uất ức quá lớn khiến Chí trở thành một con quỷ dữ khi trở về làng Vũ Đại. Chí đau khổ, Chí vẫn thèm lương thiện lắm nhưng trong nỗi uất hận, Chí lại chọn rượu, chọn cách chửi đời, chửi trời và chửi cả mẹ cha đứa nào đẻ ra hắn. Có lẽ Chí nghĩ rằng khi đụng vào lòng tự trọng của người khác, người ta sẽ chửi nhau lại với Chí. Nghĩa là họ vẫn còn coi Chí là một con người thực sự. Nhưng đáng tiếc đáp lại Chí chỉ có tiếng chó sủa và lũ trẻ con chạy theo trêu chọc Chí. Ngày Chí gặp thị Nở, cuộc đời như bừng tỉnh. Chí tỉnh dậy giữa cơn say. Chí hi vọng, Chí yêu, Chí không yêu rượu nữa. Bát cháo hành của thị là bát cháo nghĩa tình mà lần đầu tiên trong đời Chí được nhận. Nhưng rồi chính thị lại bỏ rơi Chí. Khiến Chí một lần nữa rơi vào tuyệt vọng. Lần này, Chí mang dao tới thẳng nhà Bá Kiến, giết chết hắn rồi tự tử. Lời trăn chối cuối cùng của Chí là: “Tao muốn làm người lương thiện”. Muốn làm người nhưng lại phải chết. Chết để giữ mình sạch trong, để dừng bước trước những vũng bùn do Bá Kiến đã bày ra sẵn. Một cái chết đầy bi thương và ai oán.
Về cái nhìn khách quan, Chí Phèo chết là xứng đáng cho những gì Chí đã gây ra cho dân làng Vũ Đại kể từ khi đi ở tù về. Trước mắt mọi người, Chí không còn là anh Chí hiền lành, ngoan ngoãn chịu khó ngày nào nữa. Thay vào đó là một thằng săng đá với vẻ ngoài không khác gì một con quỷ dữ. Nam Cao là người dựng lên Chí nhưng vẫn phải dành cho Chí một cụm từ nặng nề rằng trông gớm chết. Đã thế, Chí suốt ngày say rượu, chửi bới. Không ai thèm chấp Chí. Để có tiền uống rượu, Chí vô tình trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, giúp hắn đi đòi nợ, đi đâm thuê chém mướn. Một kẻ bất cần đời như Chí giờ đây chẳng có việc gì mà hắn không dám làm. Thật đúng, một kẻ làm hại dân lành rất đáng chết.
>>> XEM THÊM:
Nhưng khi nhìn vào mặt chủ quan, cái chết của Chí lại là sự lương thiện, là khát khao được giữ mình trong sạch, được dừng chân trước những biến cố, những tối tăm của cuộc đời người nông dân dưới chế độ phong kiến thực dân tàn bạo, bất nhân. Chí không muốn mình tiếp tục trở thành kẻ tội đồ của làng Vũ Đại nữa. Kể từ sau khi gặp và yêu thị Nở, Chí đã tìm lại được giấc mơ thánh thiện ngày nào của mình. Nhưng cuộc đời ngang trái và xã hội đảo lộn trắng đen đã một lần nữa bóp nghẹt ước mơ ấy. Thị nghe theo lời bà cô đến cự tuyệt với Chí, nói Chí là thằng không cha không mẹ, thằng đi ở tù, thằng chuyên rạch mặt ăn vạ… Bấy nhiêu điều là bấy nhiêu nỗi đau như ngàn con dao đâm thấu vào trái tim vừa tỉnh thức của Chí. Chí đau lắm. Hương cháo hành mới hôm qua còn thơm nức, nay lại làm khóe mắt Chí cay cay. Lúc này, Chí tỉnh táo hơn bao giờ hết. Chí ý thức rõ ràng kẻ thù của mình là ai. Dù trong phút đau khổ, Chí có ý định giết chết bà cô nhà thị Nở nhưng lẽ đời và lẽ phải đã dẫn bước chân Chí tiến thẳng tới nhà Bá Kiến. Chính hắn là kẻ đã làm cho Chí trở nên tàn tạ như bây giờ. Nhưng hắn lại là kẻ cầm quyền. Ở xã hội ấy, hắn chính là pháp luật. Hắn muốn ai chết kẻ đó phải chết. Chí hiểu rõ điều ấy. Thế nên, Chí quyết định giết chết hắn rồi tự tử.
Cái chết của Chí còn là lời tố cáo đanh thép cho tội ác của bọn thực dân, bọn cầm quyền gian ác mà đại diện ở đây là Bá Kiến, là Lí Cường.
Cái chết của Chí là thực trạng đau khổ, bất hạnh của người nông dân trong xã hội. Họ bị dồn đến bước đường cùng tới mức đánh mất cả hình dáng lẫn nhân phẩm. Chí sống trong những ngày tuyệt vọng, tối tăm, mờ mịt, quanh quẩn với men rượu, với những vết rạch trên mặt nhễ nhoại máu me mà không hề có cảm xúc. Tiếng chửi của Chí chính là lời kêu gào thảm thiết, khát khao được trở lại làm người nhưng cách làm của Chí lại càng khiến mọi người tránh xa mình và ghê tởm mình. Bộ dạng của Chí vừa đi vừa chửi, tay cầm chai rượu, chân nọ đá chân kia… không khác gì một con thú đang vật lộn giữa đời. Có lẽ cái chết là sự giải thoát tốt nhất cho Chí khỏi kiếp sống đọa đày ấy.
Cái chết của Chí cũng chính là nỗi đau, là sự đồng cảm và xót xa của nhà văn Nam Cao dành cho tầng lớp người nông dân. Khi cầm cây bút viết lên tác phẩm này, ông đã chứng kiến những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình. Mỗi một nhân vật trong truyện đều là hiện thân của thực tế. Chí Phèo đại diện cho người nông dân lương thiện nhưng bị dồn nén, bị áp bức tới bước đường cùng. Những bi kịch Chí phải gánh chịu trong đời cũng là những nỗi đau, những gian truân mà phần đại đa số người nông dân cùng thời phải gánh chịu. Chí chết đi, nhưng những người nông dân khác giống như Chí vẫn còn sống. Cũng như việc Bá Kiến chết còn có Lí Cường. Hắn cũng ác độc không kém gì cha hắn, thậm chí còn ác độc hơn. Đặc biệt chi tiết thị Nở nhìn vào bụng mình và nghĩ đến cái lò gạch bỏ hoang ở xa xa lại thêm một lần nữa khẳng định vẫn còn nhiều cuộc đời Chí Phèo đang tồn tại.
Cái chết của Chí không nhận được sự thương xót của dân làng Vũ Đại, nhưng lại làm người đọc không khỏi chạnh lòng, xót xa. Nếu như Chí không giết Bá Kiến, nếu Chí không tự tử chết thì liệu Chí có được một cuộc sống êm đềm nữa không, có chinh phục được thị Nở quay trở lại cùng mình xây dựng tiếp ước mơ dang dở ngày nào không? Không ai trả lời được câu hỏi ấy khi cái chết của Chí là một sự hoàn thiện cho tác phẩm, cho xã hội đương thời. Bởi không chỉ mình chí Chết, mà kèm theo đó là kẻ đã đàn áp Chí cũng phải chết. Nếu Chí chỉ giết Bá Kiến mà không tự tử, ngay sau đó chắc chắn Chí cũng sẽ bị bắt, bị hành hạ đến chết. Thế nên Chí chọn cách tự tử luôn để mình được chết một cách thanh thản nhất, đúng nghĩa nhất.
Nhà văn Nam Cao đã rất thành công khi dựng nên nhân vật điển hình là Chí và đưa Chí đi hết những bi kịch này tới bi kịch khác, để cuối cùng khi nhận ra tất cả, Chí chọn cái chết để được bảo toàn nhân phẩm của mình. Cho đến ngày nay, mỗi khi đọc tác phẩm, cái chết của Chí vẫn làm cho người đọc suy ngẫm và nhớ đến cả một tầng lớp người đau khổ, bế tắc trong xã hội cũ phải sống dưới quyền bọn thực dân tàn ác, bất nhân.
>>> XEM THÊM:
- Phân tích tình yêu của Chí Phèo và thị Nở
- Phân tích hình ảnh bát cháo hành của thị Nở
- Phân tích những bi kịch của Chí Phèo
- Phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ