Wed, 07 / 2018 2:28 pm | admin

Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Bài làm

Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Có lẽ đây là những câu văn ám ảnh người đọc nhiều nhất trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Ông đã dùng ngòi bút chân thực và tấm lòng đồng cảm, giàu tình thương yêu của mình để tái hiện lại cảnh đói nghèo của nhân dân ta trong nạn đói kinh hoàng năm 1954. Và cũng từ tình thương thiêng liêng ấy, ông đã truyền hơi ấm, truyền hi vọng dù chỉ là ít ỏi vào cuộc sống cơ hàn, khổ cực nơi xóm nghèo bằng cuộc nhặt vợ đầy bi hài của anh cu Tràng và thị. Cả hai con người cùng chung cảnh ngộ rách rưới, thê lương nhưng chính họ lại làm nên giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc cho tác phẩm.

Giá trị nhân đạo là những tình cảm chân thành, đôi khi rất đơn sơ giản dị nhưng lại vô cùng thiêng liêng và cao cả mà chỉ có những con người cùng khổ, người có tấm lòng đồng cảm mới có thể thấu hiểu hết. Trong tác phẩm này cũng vậy, nhà văn Kim Lân đã dựng lại hiện trường của nạn đói thảm khốc năm 1954 qua cuộc sống tủi hờn, nghèo khó của những “bóng ma dật dờ” trong một xóm ngụ cư nghèo. Để từ đó ông bày tỏ tấm lòng xót xa và niềm cảm thương sâu sắc của mình tới tầng lớp nông dân đã phải chịu bao cay đắng nghiệt ngã. Nhưng đồng thời ông cũng ngợi ca tấm lòng hướng thiện và niềm khát khao hạnh phúc của những con người đang trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.


Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Câu chuyện tưởng chừng như hóm hỉnh, hài hước bắt đầu từ cuộc nhặt vợ đầy tình cờ nhưng rất đáng yêu của đôi nam nữ nghèo nơi xóm ngụ cư đang đắm chìm trong nạn đói. Nói đến nạn đói năm 1954 hẳn ai cũng nghĩ tới những cái thây nằm la liệt, thoi thóp bên lề đường. Người sống và người chết đôi khi không còn phân biệt được. Ấy vậy mà hai con người “liều lĩnh” kia lại còn dám “đèo bòng” nhau về giữa cái đói khủng khiếp như thế. “Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp sụp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Chỉ bấy nhiêu câu chữ thôi nhưng chữ nào, từ nào cũng xoáy sâu vào cái đói, cái nghèo của những con người khốn khổ nơi đây. Mặc dù vậy, không ai cất lên tiếng kêu nửa lời. Thậm chí, anh cu Tràng ngờ nghệch, xấu xí còn có tâm trạng để “trêu ghẹo” “gái nhà lành” và tình cờ “nhặt” luôn được một cô vợ trẻ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng hẹn hò yêu đương nhau là điều quá đỗi bình thường. Nhưng trong cái “tao đoạn” này, hai chữ “tình yêu” trở nên quá xa xỉ. Vậy nên, tác giả cũng không dành nhiều “ngôn tình” để nói về tình yêu của họ. Điều ông muốn hướng tới là lý tưởng sống cao đẹp, là niềm khát khao được yêu, được sống, được hạnh phúc của những con người đang nằm ở tận cùng của cái nghèo, cái khổ.

Loading...

Ai đó đã từng nói rằng “nghèo không khổ nhưng nghĩ mình nghèo mới khổ”. Đúng vậy, họ sống nghèo, nghèo thật nhưng tâm trí luôn hướng tới tương lai. Rất có thể một trong số những con người ở xóm ngụ cư này sẽ trở thành xác chết đói bất cứ lúc nào nhưng điều đó không hề dập tan hi vọng của họ về một cuộc sống tươi đẹp hơn, ấm êm hơn. “Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Niềm hi vọng đang bắt đầu nhen nhóm, dần xua tan đi cái không khí não nề, ảm đạm.

Về phần anh cu Tràng và thị, họ đều là những con người cùng khổ nhưng trong tâm họ rất trong sáng và cao cả. Dù không cố tình, cũng không hề tính toán trước, Tràng chỉ vô tình trêu đùa thị trong lúc làm việc mệt nhọc, nào ngờ thị đi theo Tràng thật. Có thể dễ dàng nhận ra sự ngờ nghệch, chóng vánh trong mối quan hệ này nhưng tình thương của hai con người cùng khổ dành cho nhau hoàn toàn là thật lòng. Tràng vừa nghèo vừa xấu, thị cũng không hơn kém gì. Vậy mà Tràng đã rộng lượng dẫn thị đi đãi “một chập bốn bát bánh đúc” và một bữa ăn thật no nê. Giữa cái đói khát có thể khiến người ta chết vì đói, sự đối đãi của Tràng quả đúng là quá rộng lượng, quá phóng khoáng. Và hơn hết ở đó lóe lên tình thương yêu chân chất, trong sáng và cao cả của con người trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Thị cũng chẳng chê bai gì Tràng, “nghiễm nhiên” cùng Tràng bước qua cái đói để về ở với nhau.


Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Tình người ấm mãi, đói khổ hay cùng cực đến mấy cũng không làm họ chùn bước. Mẹ Tràng – một bà cụ đã gần đất xa trời thấy thằng con trai mình bỗng dưng có vợ, bà vừa mừng vừa tủi. Đứng trước “nàng dâu mới”, lòng người mẹ nghèo khổ còn hiểu ra biết bao nhiêu điều. Nhưng hơn hết, bà không than vãn, ngược lại bà luôn động viên, hướng các con đến những điều tốt đẹp. Bà thủ thỉ nhẹ nhàng với con dâu: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng may liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Những lời lẽ thâm thúy của bà vừa nói lên niềm hi vọng về ngày mai tươi sáng, vừa thể hiện tấm lòng yêu thương bao la của một người mẹ nghèo nhưng vĩ đại.

Ngày đầu tiên có dâu mới, cuộc sống của gia đình Tràng thay đổi hoàn toàn. Ai nấy đều cảm thấy phấn chấn và tự nhủ lòng mình phải có trách nhiệm với cái “tổ ấm” này. Và người đọc hiểu rằng đó chính là niềm khát khao sống, khát khao yêu. Bữa cơm đầu đãi “con dâu” dù chẳng có gì ngoài đĩa rau chuối thái rối và bát muối để ăn với cháo loãng nhưng họ đều ăn vui vẻ. Dù rằng vị đắng xít của nồi cháo cám sau đó làm mọi người nghẹn bứ trong cổ nhưng tiếng hình ảnh lá cờ đỏ chót bay phấp phới đã kịp xuất hiện dù chỉ là trong suy nghĩ cũng đủ để thắp lên ngọn lửa hi vọng về ngày mai tươi sáng, dân mình thoát khỏi cảnh đói khát lầm than, tự đứng lên làm chủ cuộc đời mình.

Sau tất cả, nhà văn Kim Lân đã bày tỏ niềm thương xót lớn lao cho những phận đời nghiệt ngã của nạn đói năm 1954. Đồng thời ông ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của chính những con người bất hạnh ấy, và ông cũng không quên thắp sáng lên cho họ niềm tin yêu vào một tương lai tốt đẹp phía trước. Không biết ai sẽ sống qua được cái tao đoạn này nhưng chắc chắn rằng một ngày không xa họ sẽ tự mở đường cho chính bản thân mình, giải phóng mình khỏi hoàn cảnh cơ cực, bần hàn. Với những giá trị nhân đạo sâu sắc ấy, tác phẩm đã đi vào lòng người một cách rất tự nhiên và lấy đi nhiều nước mắt của nhiều tấm lòng đồng cảm. Cho tới nay, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và được lưu trữ cho hàng ngàn thế hệ học sinh tìm hiểu, cảm nhận. 

>>> XEM THÊM :

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục