Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm rõ giá trị nhân đạo của tác phẩm
Chí Phèo – cái tên quá quen thuộc khi nhắc tới nhà văn Nam Cao – nhà văn của người nông dân nghèo khổ, túng quẫn trong xã hội phong kiến tàn ác, bất nhân. Trong tác phẩm cùng tên của ông, Chí Phèo là đại diện cho những người nông dân cùng khổ ấy. Có lẽ khi viết về nhân vật này, chính bản thân Nam Cao đã thầm rơi bao giọt nước mắt đồng cảm, xót thương. Bởi vậy, từ Chí Phèo, tác giả đã gửi gắm những giá trị nhân đạo sâu sắc tới người đọc về sự xót thương cho một lớp người bất hạnh, đồng thời căm phẫn và tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến tham lam, tàn ác.
Dựng lên Chí Phèo, hẳn Nam Cao đã tìm hiểu rất kỹ về số phận người nông dân. Hơn thế nữa, ông cũng chứng kiến rất nhiều mảnh đời nghiệt ngã ngay xung quanh mình. Vì vậy, hơn ai hết, ông thương cảm và xót xa cho họ. Có thể nói, Chí Phèo là đúc kết cho tình cảm sâu sắc của nhà văn dành cho nhân dân.
Chí chỉ là một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ. Không một ai biết cha mẹ Chí là ai. Chí được nhặt về nuôi ở một cái lò gạch cũ bỏ hoang, lớn lên đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Thời gian qua đi, Chí trở thành một anh thanh niên khỏe mạnh, với ước mơ giản dị có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ thêu thùa, rồi dăm ba bữa phấn đấu mua mảnh ruộng làm ăn… Nhưng tiếc rằng ước mơ thánh thiện ấy của Chí đã bị sự tàn ác của giai cấp thống trị vùi dập trong chốc lát. Chí làm thuê cho nhà Bá Kiến, bị bà ba lợi dụng rồi đẩy vào tù. Quãng thời gian trong tù cùng nỗi uất hận khôn nguôi biến Chí trở thành một con người hoàn toàn mới. Ngày ra tù, dân làng Vũ Đại nhìn Chí như một con quỷ dữ với dáng dấp côn đồ, ngông cuồng : Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết ! Hắn mặc quần nái đen với cáo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết ! Còn đâu anh Chí hiền lành chất phác ngày nào với ước mơ đời nhỏ nhoi, thánh thiện ? Ai cũng sợ và khinh ghét con người của Chí lúc này. Nhưng sâu thẳm trong ngòi bút của Nam Cao vẫn là sự xót xa, nuối tiếc cho một đời người đã "sang ngang". Vì lẽ đâu mà Chí trở nên như thế ? Nếu bà ba của Bá Kiến không hãm hại Chí, nếu cuộc đời tù đày không nhào nặn Chí, không bóp nghẹt Chí trong nỗi uất hận khôn cùng thì có lẽ Chí đang thực hiện được ước mơ của mình. Giữa lúc trai trẻ, giữa lúc ước mơ đời đang ấp ủ, Chí cứ ngỡ sẽ kiếm được tiền nhờ những tháng ngày làm thuê cho nhà Bá Kiến, nhưng nào ngờ đời Chí đã sang một trang mới, tối đen, lầm lũi và xám xịt, không lối thoát. Đó cũng chính là cảnh tượng của người nông dân khi bị dồn vào bước đường cùng. Biết bao nhiêu con người cũng gặp hoàn cảnh giống Chí, bị thế lực cầm quyền đàn áp, thậm chí tước đi cả quyền sống, quyền làm người.
Chí Phèo
Những tiếng chửi của Chí phải chăng chính là tiếng chửi thầm chua chát của nhà văn dành cho những tên đầu sỏ ác độc kia ? Đồng thời đó còn là tiếng khóc thương thảm thiết của một con người đã bị tụt xuống tận đáy của xã hội. Chí mượn rượu để chửi, chửi trời, chửi đất, chửi cả mẹ cha đứa nào đẻ ra hắn khiến thân hắn phải khổ thế này. Hóa ra, trong tiếng chửi ấy, Chí vẫn nhận thức được thực trạng của bản thân mình. Trong sâu thẳm tiềm thức của Chí vẫn luôn đau đáu một nỗi đau tột cùng. Chí hận lắm, buồn lắm, cô đơn lắm. Chí chỉ ước rằng có ai đó chửi lại Chí một tiếng để Chí biết mình vẫn được coi là người. Nhưng Chí quá tuyệt vọng khi chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến lời Chí chửi, chỉ có mấy con chó chạy theo sủa inh ỏi làm náo loạn cả xóm nghèo. Điều đó làm Chí tức điên lên được. Nhưng đằng sau sự bức tức ấy lại là niềm khát khao được làm lành với xã hội. Có thể sẽ có người thắc mắc rằng tại sao Chí không tự mình nói chuyện tử tế với mọi người thay vì cứ chửi rủa rồi rạch mặt ăn vạ, uống rượu say sưa bê tha suốt ngày ? Nhưng nếu như vậy thì câu chuyện lại không có gì đáng nói. Bởi nỗi đau cùng nỗi uất hận trong Chí quá lớn. Chí chỉ có một mình trên cõi đời này, cô đơn, đơn độc, không một người thân thích. Có mỗi Bá Kiến nói chuyện với Chí nhưng lại là để lợi dụng, để sai khiến Chí đi làm việc ác như đòi nợ thuê chứ không tử tế gì. Chí ngày càng chìm sâu vào vũng bùn lầy và vô tình trở thành con quỷ dữ lúc nào không hay. Không một ai xót thương Chí. Chỉ có Nam Cao vẫn âm thầm dành cho Chí một chỗ trống trên trang văn đầy ai oán, xót xa. Thương Chí và cũng là thương người nông dân bị cùng quẫn, bị đẩy vào bước đường cùng tối tăm.
>>> XEM THÊM:
Đúng lúc cuộc đời Chí đang bế tắc nhất thì một tia sáng bất chợt xuất hiện. Có thể nói đó là ân huệ lớn lao mà Nam Cao muốn dành cho Chí và cũng là dành cho những người nông dân cùng khổ. Trong đêm tối, Chí uống rượu say và ngã vào thị Nở – người đàn bà dở hơi ế chồng, đã thế thị còn mang một nhan sắc vô cùng kinh tởm mà theo Nam Cao viết là xấu ma chê quỷ hờn. Cái mũi thị bạnh ra, cái môi như hai con đỉa xù đang nằm cạnh nhau. Thị cũng chẳng khác nào một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng không phải là con quỷ dữ dằn như Chí. Một người đàn bà ế chồng, một kẻ say rượu chuyên rạch mặt ăn vạ đã ngã vào nhau. Có thể lúc đó, do ham muốn xác thịt nên họ "đồng lõa" với nhau, nhưng vì lí do gì mà sau đó hai con quỷ ấy lại gắn bó với nhau ? Trong túp lều rách nát có hai con người đang thổn thức vì nhau. Thị thấp thỏm, thinh thích hai tiếng vợ chồng. Còn Chí bỗng nhìn người đàn bà xấu xí ấy có nét duyên đến lạ. Họ trao cho nhau những ánh mắt tình tứ, những nụ cười hiền hậu, đúng như cảm xúc của đôi lứa yêu nhau chân thành, say đắm. Chính Nam Cao cũng không giải thích được vì sao họ đến với nhau. Nhưng có một điều rõ ràng rằng chính thị đã mang lại một bước ngoặt lớn cho cuộc đời Chí. Chí ốm, thị nấu cháo hành cho Chí ăn để đỡ mệt. Thử hỏi một người đàn bà dở hơi nhưng lại có tấm lòng thánh thiện đến vậy có đáng trân trọng hay không ? Hơn nữa, thị cũng chưa bao giờ làm hại ai hay làm điều gì xấu xa. Còn Chí, làm sao có thể không xúc động khi lần đầu tiên trong đời được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà ?
Chính tấm lòng đồng cảm của Nam Cao đã dẫn thị đến với Chí, để làm dịu đi cuộc đời đằng đẵng những thương đau của Chí, đánh thức Chí tỉnh dậy giữa những u mê mịt mờ. Sau khi ăn bát cháo hành nghĩa tình của thị, Chí bừng tỉnh. Chí nhận ra rằng Chí có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù ? Và thị sẽ là cầu nối để Chí làm lành với mọi người, trở về với con người lương thiện theo đúng bản chất của Chí vốn có. Những âm thanh của cuộc sống bỗng len lỏi vào những dòng nghĩ suy của Chí. Tiếng mái chèo gõ cá, tiếng chim hót lao xao, tiếng người đi chợ nói chuyện… Những điều giản đơn ấy ngày nào chẳng có nhưng Chí mải mê trong cơn say nên chẳng thể nào cảm nhận được. Đến lúc này, hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao.
Sự thức tỉnh của Chí lúc này là khám phá rất đáng quý, đáng trân trọng vô cùng mà Nam Cao đã phát hiện ra trong sâu thẳm tiềm thức của người nông dân. Dẫu phải sống trong cay đắng nghiệt ngã trăm bề, họ vẫn luôn nhen nhóm một nỗi niềm khát khao được yêu, được sống, được tận hưởng một bầu không khí an lành, ấm áp. Và giấc mơ bé nhỏ ngày nào của Chí cũng sống dậy. Chí hi vọng thị sẽ cùng Chí biến ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Nhưng thật đáng thương thay, dù có thương Chí, thương người nông dân đến mấy đi chăng nữa, Nam Cao vẫn không thể phủ nhận được một sự thật nghiệt ngã rằng : trên đầu họ còn có giai cấp thống trị vẫn đang hoành hành, chúng ác độc, chúng mới chính là những con ác quỷ đi hút máu người.
Thị lương thiện, thị có cảm xúc với Chí nhưng chính thị cũng không thắng nổi những định kiện của người bà góa chồng, của những cái dòm ngó quanh xóm quanh làng. Sau khi thị khoan yêu Chí để về hỏi ý kiến bà, bị bà mắng cho một trận chua chát, thị lập tức quay lại trút hết mọi tức giận lên đầu Chí. Thị ngoay ngoảy cái mông đít quay đi, mặc cho Chí thẫn thờ ngẩn ngơ. Thị buông tay Chí thật mạnh, mặc cho Chí ngã giúi xuống đất. Sự phũ phàng ấy thêm một lần nữa làm Chí rơi vào tuyệt vọng, vào vũng bùn lầy đầy nhơ bẩn. Sợi dây duy nhất nối Chí với con đường lương thiện đã đứt, Chí không để cho tuổi già cô đơn kịp đến với mình. Chí vác dao định bụng đi trả thù hai cô cháu nhà thị Nở nhưng bước chân lại tiến thẳng đến nhà Bá Kiến. Trong khoảnh khắc, Chí đã đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn với lời chăn trối cuối cùng : Tao muốn làm người lương thiện. Lúc này Chí rất tỉnh, Chí xác định rõ ai mới là kẻ thù của mình, ai là người đã khiến Chí phải đến nông nỗi này. Chính là Bá Kiến chứ không phải đứa chết cha chết mẹ nào đẻ ra hắn.
Ngay sau khi ngợi ca niềm khát khao được sống, được yêu của Chí, của người nông dân, nhà văn Nam Cao đã ngay lập tức trả Chí lại với hiện trạng đau khổ, tuyệt vọng. Nhưng lần này, Chí không tiếp tay cho Bá Kiến nữa, không làm tay sai cho hắn nữa. Chí chọn cái chết. Cách mà Nam Cao kết chuyện khiến nhiều người không khỏi xót xa, nhưng có lẽ đó là cái kết nhân văn nhất. Bởi đời Chí bé nhỏ, thân phận Chí cũng chỉ là một người nông dân thấp cổ bé họng. Nếu Chí tiếp tục sống, Chí sẽ làm thêm nhiều việc ác nữa. Vậy nên, thà Chí chết đi để giữ nguyên ước mơ thánh thiện ngày nào của mình, còn hơn cứ lao đầu vào vũng bùn dơ bẩn do giai cấp thống trị bày ra. Nhưng trước khi chết, Chí đã giết Bá Kiến chết cùng. Điều đó làm cho nỗi uất hận của Chí được nguôi ngoai phần nào.
Dù sau Bá Kiến còn có lý Cường, sau Chí còn có cái thai đang lớn dần lên trong bụng thị và hình ảnh chiếc lò gạch cũ xuất hiện cuối tác phẩm như dấu hiệu một Chí Phèo con sẽ ra đời. Đời người nông dân sẽ đi về đâu khi vẫn còn những tên đầu sỏ như lý Cường tiếp nối Bá Kiến ? Sẽ còn bao nhiêu thân phận như Chí Phèo nữa phải chịu khổ ?
Bằng lối viết chân thực, giàu cảm xúc, ngôn ngữ mang đậm phong cách dân tộc, nhà văn Nam Cao đã dựng lên một Chí Phèo điển hình đại diện cho người nông dân trong những năm tháng phải sống dưới ách áp bức bóc lột của chế độ phong kiến ác độc. Qua đó, người đọc cũng hiểu rõ những giá trị nhân đạo mà Nam Cao muốn gửi gắm qua nhân vật Chí Phèo. Đó là niềm đồng cảm, xót xa cho tầng lớp nông dân bị bần cùng hóa, bị tha hóa và rồi phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mình. Dù có lúc, phần người trong họ vẫn lóe lên nhưng bởi thân phận thấp bé nên không thể nào chống lại được cường quyền. Họ chọn cái chết. Chết để được lương thiện.
>>> XEM THÊM:
-
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng
-
phân tích khổ thơ thứ hai trong bài Từ ấy
-
Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II