Fri, 08 / 2018 4:02 am | admin

Phân tích những bi kịch của Chí Phèo trong đoạn trích Chí Phèo

Phân tích những bi kịch của Chí Phèo

"Chí Phèo" là "đứa con đẻ" của Nam Cao – một nhà văn suốt đời dành hết tâm huyết và tấm lòng cho những người nông dân nghèo khổ trong xã hội cũ. Nhân vật chính trong truyện là hiện thân của những người nông dân ấy. Sống dưới chế độ thực dân phong kiến, họ bị áp bức, bóc lột cả thể xác lẫn tinh thần rất tàn bạo, đến mức đánh mất cả nhân tính của mình mà không hề hay biết. Khi dựng lên nhân vật điển hình mang tên Chí Phèo, Nam Cao đã đưa cho Chí tất cả những bi kịch mà người nông dân phải chịu đựng. Đó là bi kịch được sinh ra làm người mà không được coi là người; khát khao được yêu, được sống lương thiện nhưng chế độ phong kiến quá tàn bạo đã vùi dập ước mơ của Chí, của những người nông dân. Để rồi cuối cùng, Chí phải tìm đến cái chết để tự giải thoát cho cuộc đời mình.

Bi kịch đầu tiên Chí phải gánh chịu là nỗi bất hạnh mồ côi cha mẹ. Không ai biết cha mẹ Chí là ai. Họ cũng chưa từng một lần tìm gặp lại Chí. Không họ còn sống hay đã chết. Có lẽ Chí cũng không quan tâm tới điều đó nhiều. Nhưng trong cuốt cuộc đời dài đằng đẵng ấy, Chí đã phải chịu biết bao nhiêu đớn đau, dày vò, một tấn bi kịch khác lần lượt diễn ra với Chí. Chí bước đi ngật ngưỡng vào trang văn của Nam Cao với bộ dạng một kẻ say khướt, thân hình không khác gì kẻ côn đồ. Và dân làng Vũ Đại gọi Chí là một con quỷ dữ chứ không phải là người nữa. Không cha không mẹ, không người thân thích đã là một nỗi đau quá lớn, nhưng càng đau đớn hơn khi không được mọi người xung quanh ghi nhận mình là một con người thực sự. Tại sao vậy ? Chí đã từng là một chàng thanh niên ngoan ngoãn hiền lành, chịu khó cơ mà ? Tại sao đến giây phút này cuộc đời Chí lại thảm hại như vậy ? Cuộc sống cơm áo gạo tiền đã đẩy đưa Chí đến nhà Bá Kiến, bà ba dâm đãng của hắn dụ dỗ Chí không thành nên uất ức đẩy Chí vào tù. Chí bị oan. Chí có tội gì đâu. Chí một lòng ngay thẳng, hướng thiện. Nhưng có lẽ chính vì sự ngay thẳng ấy đã không làm cho bà ba của Bá Kiến được thỏa mãn thể xác nên thân phận thấp hèn như Chí bị đẩy vào chốn lao tù là điều đương nhiên. Bọn chúng có tiền, có quyền lại có thừa sự gian ác, còn Chí chỉ là một kẻ mồ côi trắng tay, đi làm thuê làm mướn lo cơm ăn áo mặc từng ngày, từng bữa.

Thế rồi cuộc đời Chí bước sang ngang. Những năm tháng tù đày cùng nỗi uất hận trong lòng biến Chí trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Không ai coi Chí là người nữa. Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá ! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết ! Hắn mặc cái quần nái đen với áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết ! Bi kịch này là sự cộng hưởng giữa ba yếu tố lớn : một là nỗi oan của Chí khi bị bà ba tức giận đẩy vào tù, hai là sự tàn bạo, ác độc của gia đình Bá Kiến – những kẻ đại diện cho giai cấp thống trị cầm quyền trong xã hội đương thời, và ba là chính bản lĩnh của con người Chí không đủ mạnh mẽ, không đủ tỉnh táo để làm lại cuộc đời sau khi ra tù. Khi dân làng Vũ Đại nhận ra rằng Hắn về lớp này trông khác hẳn, nghĩa là họ đang khẳng định rằng trước đây Chí không hề như vậy. Chí đã từng rất ngoan ngoãn, hiền lành, tử tế, chịu khó. Chí còn ước mơ có một mái ấm gia đình nho nhỏ, tuy nghèo nhưng luôn yêu thương nhau, cùng nhau sống và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời. Nhưng hình ảnh của Chí lúc này khiến ai cũng thay đổi cách nhìn nhận. Chí không còn như xưa nữa, đã thế, Chí còn trở thành một tên tay sai đắc lực và liều lĩnh cho Bá Kiến trong việc đi đòi nợ thuê. Dường như Chí buông xuôi tất cả. Cuộc đời Chí lúc này như một cái dốc trượt dài không phanh. Chí lao đầu vào rượu, say xỉn bê tha, rạch mặt ăn vạ. Trên khuôn mặt Chí hằn in biết bao vết sẹo sau mỗi lần ăn vạ. Máu chảy be bét, nhưng điều đó có lẽ cũng chẳng là gì so với nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn Chí.

>>> XEM THÊM :

Loading...

Chí đang dần đánh mất đi nhân tính lương thiện vốn có của mình. Người nông dân ấy đang đi vào ngõ cụt, quẫn chí, mịt mờ, không lối thoát. Nếu trước đây, Chí cương quyết không chịu đồng tình phục vụ bà ba để rồi bị đẩy vào tù một cách oan ức, thì giờ đây Chí lại sẵn sàng cầm dao, cầm mảnh chai đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến. Trong con người ấy dường như không còn một tia hi vọng nào cho tương lai nữa. Trước mắt hắn chỉ là những vũng bùn lầy do bọn giai cấp thống trị như Bá Kiến đang bày ra sẵn. Và trong cơn say, Chí ngã vào đó, không gượng dậy nổi. Đó cũng là hình ảnh của những người nông dân bị bần cùng hóa, bị dồn ép đến bước đường cùng, và khi bản lĩnh không đủ, khi thân phận quá thấp hèn, họ bị chết chìm trong vũng bùn lầy nhơ nhớp mà không thể nào ngóc lên được.


Phân tích những bi kịch của Chí Phèo

Chí Phèo – Thị Nở

May thay, nhà văn Nam Cao đã ban cho Chí một tình yêu vô cùng trong sáng, hạnh phúc, bất ngờ nhưng rất chân thành dù có chút ngờ ngệch, chóng vánh. Trong đêm tối, Chí loạng quạng đi về, lạc lõng và cô đơn, chỉ có men rượu làm bạn. Đúng lúc ấy, Chí vấp phải thị Nở, ngã vào người thị. Thị vốn dở hơi, xấu xí nhưng trong giây phút này, sự ham muốn của thể xác nổi lên, họ quấn vào nhau. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là vậy, họ sẽ rời xa nhau ngay sau đó. Đằng này, một kẻ nát rượu, một người đàn bà dở hơi với vẻ đẹp "xấu ma chê quỷ hờn" lại dành cho nhau những tình cảm, những cử chỉ rất tình tứ, đúng như cảm xúc của đôi lứa mới lớn đang hẹn hò nhau. Tình yêu ấy không hề dung tục. Đặc biệt, bát cháo hành của thị Nở với hương vị của tình yêu, của sự quan tâm chân thành từ bàn tay một người đàn bà thực sự đã làm Chí bừng tỉnh giữa cơn say, cơn u mê tưởng chừng như không bao giờ thoát ra được. Chí từ từ cảm nhận cuộc sống. Hóa ra những điều giản đơn nhất lại là những điều đáng trân trọng nhất. Và ước mơ ngày nào lại trở về trong tâm trí của con người tội lỗi ấy. Giá như cứ thế này mãi thì thích nhỉ. Nhưng đằng sau nói ấy lại là một bi kịch nữa đến với Chí. Người đàn bà dở hơi kia vừa cho Chí tình yêu, cho Chí bát cháo hành tình nghĩa nay chợt nhớ ra phải "khoan yêu" để về hỏi người bà cô của mình đã. Không ngờ bà ta chửi thị té tát. Thị ấm ức chạy đến trút hết giận lên đầu Chí rồi bỏ mặc lại Chí trong sự hoang tàn, phũ phàng và tuyệt vọng. Những tưởng thị là sợi dây duy nhất nối Chí lại với cuộc đời, với con người, nhưng chính thị vừa kéo Chí ra khỏi vũng bùn, nay lại đẩy Chí xuống tận sâu nơi vực thẳm. Nỗi đau này còn đau hơn cả nỗi đau không được làm người. Bởi Chí đã yêu rất thật lòng, dù Chí có bao nhiêu lỗi lầm, có đắm chìm trong bao nhiêu cơn say nhưng với mối quan hệ này, Chí rất nghiêm túc. Chí đã nghĩ tới tuổi già cô đơn, điều đó còn đáng sợ hơn cả bệnh tật. Và thị sẽ là người ở bên cạnh Chí cho đến cuối đời. Nhưng đáng tiếc thị cũng chỉ là một người đàn bà dở hơi. Thị cũng bị chìm trong đám người mang đầy thành kiến với Chí. Thị không tự quyết được đời mình. Mà nếu thị có khôn, chưa chắc thị đã đến với Chí, đã dành cho Chí những phút giây hạnh phúc như vậy. Rơi vào bi kịch bị người yêu cự tuyệt, còn nỗi đau nào hơn khi người mình yêu quay mặt bỏ đi một cách phũ phàng như thế ? Hơn nữa, Chí lại là người đang rất khát khao được yêu, được sống. Sự xuất hiện của thị như một ánh hào quang làm tan đi những tối tăm đang bủa vây cuộc đời Chí. Nhưng rồi cũng lại chính thị là người trả Chí về với những tối tăm ấy. Nhưng lần này nỗi đau đau hơn những bi kịch trước.

Chí tỉnh rượu, Chí nhận ra những gì mình đang phải gánh chịu. Và Chí quyết định tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời mình. Kèm theo đó, Chí bắt kẻ cầm đầu đã khiến Chí rơi vào hoàn cảnh này là Bá Kiến phải chết cùng mình. Vậy là, ngay hôm ấy, dân làng Vũ Đại bàng hoàng trước cái chết của Bá Kiến và Chí. Một kẻ đại diện cho giai cấp thống trị bạo tàn, một kẻ đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo khổ bần cùng bị giai cấp thống trị đàn áp tới mức đánh mất cả nhân tính. Cuối cùng cả hai giai cấp ấy đều phải chết.

Những bi kịch mà Chí phải gánh chịu đều chôn vùi trong một nhát dao. Chí mồ côi cha mẹ, không người thân thích. Chí bị oan đẩy vào tù, và rồi Chí biến mình thành con quỷ dữ, Chí sa đà vào con đường tội lỗi do Bá Kiến vạch ra. Gặp được thị tưởng chừng cuộc đời đổi thay nhưng lại càng đau hơn khi tình yêu chân thành của Chí bị cự tuyệt giữa lúc Chí đang cảm thấy hạnh phúc nhất. Và rồi, Chí chọn cái chết để kết thúc tất cả. Nhưng vẫn còn bao nhiêu người nông dân nữa đang phải sống giống như Chí ? Và còn bao nhiêu thế hệ nữa nối tiếp Bá Kiến giống như Lý Cường ? Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của Nam Cao đã cho người đọc thấy được bi kịch đớn đau của cả một lớp người trong xã hội cũ. Dù nhà văn có dành cho họ sự cảm thương sâu sắc đến mấy nhưng giấy mực vô tri vô giác vẫn không thể nào đưa họ thoát khỏi được hàng tấn bi kịch đau khổ dưới sự thống trị tàn ác bất nhân của giai cấp cầm quyền. Chí chết. Cuộc đời Chí kết thúc. Nhưng những người nông dân như Chí vẫn còn đang sống trong u mê, trong tăm tối giữa bùn lầy nhơ nhớp.

>>> XEM THÊM: 

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục