Thu, 07 / 2018 11:20 am | admin

Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ. Qua đó, anh chị hiểu gì về tấm lòng của bà mẹ nông dân này.

BÀI LÀM

Mẹ! Tình yêu thương bao la mẹ dành cho các con vượt qua ngàn giông tố, xuyên qua hết những tháng năm dài. Dù nghèo khó hay giàu sang, tình mẹ vẫn luôn đong đầy không bao giờ thay đổi. Nhà văn Kim Lân khi viết về người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 qua truyện ngắn Vợ nhặt, ngoài việc khắc họa tình trạng thê lương, thảm hại của xóm ngụ cư nghèo, ông không quên dựng lên hình ảnh một người mẹ già nua với tấm lòng yêu con, thương con vô bờ bến. Ngòi bút sắc sảo của ông đã khiến người đọc xúc động trước những buồn vui xen lẫn của bà cụ khi chứng kiến con thằng con ngờ nghệch của mình “nhặt” được vợ. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình…

Bà cụ đã gần đất xa trời, đã đi qua gần một thế kỉ trên cõi đời này. Còn điều gì bà chưa từng trải qua nữa? Cuối đời, bà sống nương tựa vào anh cu Tràng – thằng con vừa xấu xí vừa nghèo. Lại đúng lúc nạn đói ập đến, sẽ chẳng bao giờ bà dám nghĩ tới việc lấy vợ cho con, chỉ mong có thể sống sót qua được cái “tao đoạn” này đã là may mắn lắm rồi. Nhưng vào một ngày đẹp trời, bà cụ vô cùng bất ngờ khi thấy Tràng dẫn về nhà một người con gái lạ. “Bà lão phấp phỏm bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu”. Có lẽ vì cái ý nghĩ lấy vợ cho con chưa bao giờ xuất hiện trong đầu bà, nhất là trong cảnh khốn khó này. Thế nên, bà rất ngỡ ngàng và không thể đoán được người đàn bà lạ ấy là ai. Cho tới khi Tràng nhắc lại lần nữa rằng: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số…”. Hai tiếng “chúng tôi” chợt khiến bà hiểu ra mọi chuyện. “Bà lão cúi đầu nín lặng”. Trong giây phút ấy, lòng người mẹ đau khổ bất chợt nghĩ đến gia cảnh hiện tại của nhà mình. Bà nghĩ tới cơn đói khát, thiếu thốn, túng bí. Và bà cũng tủi cho số kiếp của chính mình: “Chao ôi, người ra dựng vợ ả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Dòng suy nghĩ ấy cho thấy bà cụ vẫn luôn đặt vai trò làm mẹ của mình lên trên hết, rằng làm mẹ phải lo cho con cái đầy đủ, lo dựng vợ gả chồng tươm tất cho con. Nhưng giữa thời buổi này, bà đành bất lực và âm thầm chịu đựng nỗi đau giằng xé. Càng thương con bao nhiêu, bà càng đau khổ bấy nhiêu. “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ uống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Gần một thế kỷ sống trên đời, tưởng chừng như nước mắt bà đã không còn. Nhưng trong lúc cảm xúc dâng trào, giọt nước mắt vẫn nặng trĩu tuôn rơi. Chứng tỏ rằng tình cảm của người mẹ ấy quá lớn lao, quá dạt dào. Bà thương con không sao kể xiết. Tất cả gói gọn trong giọt nước mắt mặn chát trên khóe mắt già nua.


Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ

“Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà”. “Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua được cái tao đoạn nào thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chiu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?” Những nghĩ suy ngổn ngang trong lòng bà. Giữa cái đói, cái khổ, con mình lại dám “đèo bòng” thế này, thân mình còn lo chưa xong, nay lại thêm một miệng ăn nữa… Nhưng bà cụ không nghĩ thế, bà càng thương con hơn. Đặc biệt bà cũng dành sự cảm thông và đồng cảm cho người đàn bà xa lạ kia. Cùng là thân phận đàn bà, lại là người từng trải, bà cụ hiểu hơn ai hết tâm trạng của “nàng dâu mới” lúc này. Bà nhẹ nhàng nói với thị: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…” Hai tiếng “mừng lòng” lại nói quá đủ để nói lên sự xót thương của người mẹ già dành cho con. Bà không nói ra những nỗi buồn day dứt, những nghĩ suy băn khoăn của mình. Bà chỉ muốn các con hướng tới điều tốt đẹp, lạc quan. Bà hết lời động viên con “ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”. Biết rằng điều đó khó lắm, mờ nhạt lắm nhưng niềm hi vọng trong bà vẫn luôn cháy lên, giúp các con mạnh mẽ vượt qua cơn đói khát bần cùng.

Loading...

“Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió khoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dàu. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?…” Bà cụ vẫn chưa thoát ra được khỏi dòng suy nghĩ lo lắng, tủi hổ. Vì bà hiểu hơn ai hết những cơ cực khó khăn ở đời. Sức nặng của cơm áo gạo tiền có thể giết chết con người ta trong nháy mắt. Và rồi, bà lại khóc. “Nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Những giọt nước mắt nặng trĩu tình thương yêu bao lao, thiêng liêng và cao cả.

Nhưng rồi, ngày đầu tiên có “nàng dâu mới”, bà cụ đã tạm gác những giọt nước mắt đau khổ ấy lại. Thay vào đó là sự phấn chấn, hào hứng. Bà “tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Mọi thứ trong nhà đã thay đổi. “Ai nấy cũng đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Bà không còn buồn rầu nữa. Giọt nước mắt trên kẽ mắt tèm nhèm cũng đã khô. Bữa cơm ngày đói đãi “con dâu” chỉ “có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Đặc biệt, tuyệt nhiên không thấy bà cụ nhắc tới chuyện hỏi han thân thế, gia cảnh của “con dâu”. Có lẽ trong tình cảnh này, bà quá hiểu cô con dâu cũng chẳng khác gì nhà mình, nghèo đói, thiếu thốn. Bà không quan trọng điều đó. Quan trọng là các con biết yêu thương nhau, bảo ban nhau làm ăn, cùng nhau thoát khỏi cảnh đói khát này. Tấm lòng của bà thật rộng lượng, cao cả.


Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ

Hết cháo, bà bưng vội nồi cháo cám và không quên giới thiệu với các con bằng giọng hào hứng: “Chè đây. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Món chè khoán của bà mang vị đắng xít, nghẹn bứ trong cổ. “Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”. Lòng người mẹ lại trùng xuống. Đau khổ. Tủi hờn…Nhưng rồi, tiếng trống thúc thuế đã đánh thức mọi người trở về thực tại. “Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ… – Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc.” Lại thêm một lần bà khóc. Thêm một lần những cay đắng xen vào tâm trí người mẹ nghèo khổ. Bà vẫn luôn đau đáu lo cho các con. Chỉ tiếc rằng sức cùng lực kiệt, bà không thể làm gì giúp các con ngoài những lời động viên. Vì thế, bà nén lại những giọt nước mắt, nén nỗi đau để các con có động lực vươn lên, hướng về tương lai.

Và rồi, các con bà cũng đã đi đúng hướng khi nghĩ tới lá cờ đỏ bay phấp phới trong cuộc phá kho thóc Nhật, chia cho dân nghèo.

Những buồn vui xen lẫn ít nhất cũng làm bà khơi dậy niềm vui trong những ngày cuối đời buồn tủi vì nạn đói khủng khiếp, thê lương. Đồng thời, qua đó, ta hiểu rằng tấm lòng bà rất cao cả. Bà luôn yêu thương con bằng tình thương vô điều kiện. Bà cũng giống như bao bà mẹ khác, luôn sống hết mình vì con, chỉ mong con có cuộc sống vẹn tròn, hạnh phúc. Dù bà chỉ là một người mẹ nông dân thôi nhưng tình thương yêu của bà không gì có thể sánh được. Nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi miêu tả rất chân thực những xúc cảm buồn vui lẫn lộn của bà với những giọt nước mắt cuối đời nặng trĩu ân tình bao la…

>>> XEM THÊM :

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục