Tue, 07 / 2018 10:23 am | admin

Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương

Bài Làm

Hồ Xuân Hương – người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng tiếc rằng lại sinh thời trong chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, tàn ác bất nhân. Đó chính là một trong những lý do khiến cuộc đời của người nữ thi sĩ này phải trải qua nhiều trái ngang với mảnh tình dang dở, khổ đau. Trong lúc phẫn uất và tuyệt vọng, bà tìm đến rượu và mượn vần thơ để dãi bày nỗi lòng cay đắng của bản thân. Tự tình II chính là thi phẩm viết về những tâm tư cùng chút hi vọng le lói của Xuân Hương trong lúc đau buồn giữa đêm khuya thanh vắng tĩnh lặng.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Loading...

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Những vần thơ ai oán não nề của Xuân Hương rất trau chuốt, tỉ mỉ và đầy nghệ thuật. Chỉ một câu thơ cũng đủ để diễn đạt hoàn cảnh của Xuân Hương lúc này: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn. Đêm không những khuya mà còn rất vắng vẻ, im lặng. Một sự im lặng khiến người ta rất dễ rơi vào khoảng không của những tâm sự buồn thăm thẳm. Từ láy văng vẳng diễn tả sự vang vọng của tiếng trống canh dồn từ phía xa vọng lại. Điều đó càng làm cho đêm khuya thêm u tịch, não nề. Giữa lúc ấy, có một người con gái đang Trơ cái hồng nhan với nước non. Tại sao Xuân Hương lại dùng từ trơ để chỉ chính bản thân mình? Từ Trơ được viết với giọng điệu đầy thách thức nhưng cũng thể hiện sư bẽ bãng của thực tại. Lẽ ra hồng nhan phải được nâng niu, được trân trọng. Nhưng kiếp hồng nhan của Hồ Xuân Hương lại quá u uất, sầu đau khi một mình đối mặt với nước non, với tất cả.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Ngay lúc này, tâm hồn của bà Chúa thơ Nôm đang rơi vào cõi cùng cực, nơi mà nỗi đau lớn đến tột độ. Bà tìm đến rượu nhưng rượu cũng chẳng thể làm người say mà quên đi thực tại. Xuân Hương dùng từ hương để diễn tả cho men rượu, hương ấy rất nhẹ nhàng, nhưng cũng dễ khiến người ta mơ mơ ảo ảo. Lại thêm Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Trong thơ xưa, các thi sĩ thường mượn ánh trăng để tả về người con gái hoặc tình yêu đôi lứa. Trăng càng tròn chứng tỏ tình yêu càng đẹp, càng nồng thắm. Nhưng vầng trăng của Xuân Hương thật đáng buồn vì nó chỉ là một vầng trăng khuyết chưa tròn, đã thế lại là vầng trăng bóng xế. Thế nào là một vầng trăng bóng xế? Ta có thể dễ dàng hình dung ra một vầng trăng khuyết có hình lưỡi liềm, không tròn trịa. Nhưng vầng trăng bóng xế chỉ có Xuân Hương mới hiểu vì nó vốn dĩ dành riêng cho bà. “Xế” còn có ý chỉ Xuân Hương lúc này đã sắp bước qua tuổi xuân.

Phân tích vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II

 

Trải qua bao năm tháng lẻ loi đơn chiếc, xuân đi qua cho đời người thêm một tuổi, nhưng lại buồn thêm một chút, se sắt hơn một chút và lạnh lẽo hơn một chút. Dù vậy, Xuân Hương vẫn cố gượng dậy với hi vọng vượt qua số phận nghiệt ngã của đời hồng nhan bẽ bàng, đau khổ:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Tới đây, ngôn từ của tác giả đã trở nên có sức mạnh và nội lực hơn. Rêu yếu ớt thế vẫn mạnh mẽ xiên ngang mặt đất mọc lên thành từng đám. Và trời cao xanh bao la nhưng đá vẫn đâm toạc được chân mây. Khi nhìn nhận những sự việc này, Xuân Hương đang khát khao dành lấy những gì mình muốn. Bà cũng muốn vươn lên, thoát khỏi kiếp yếu ớt của thân phận người phụ nữ bất hạnh. Thế nhưng, thật buồn khi điều đó khó có thể thành sự thật. Vì:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Bao nhiêu nỗi đau, nỗi buồn lẫn tủi hờn chất hết vào hai chữ Ngán nỗi mà Xuân Hương đã đặt ngay đầu dòng. Buồn vì xuân đi xuân lại lại, vì mùa xuân của đất trời đẹp là thế, mùa xuân của đời người cũng đẹp biết bao nhiêu nhưng mùa xuân của đời người, nhất là của người con gái có bao giờ được trở lại lần hai như mùa của thiên nhiên vốn tuần hoàn năm này sang năm khác? Nghịch lý ấy dường như càng đẩy Xuân Hương vào sâu thẳm trong nỗi bẽ bàng. Mỗi một mùa xuân qua đi, đời người lại già thêm một tuổi, và mảnh tình của Xuân Hương vốn mong manh lại càng trở nên dở dang. Bởi đó chỉ là một mảnh tình bé nhỏ chứ không phải là một cuộc tình trọn vẹn. Và rồi bà càng đau hơn khi tình yêu của mình theo năm tháng cũng nhạt phai dần.

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Câu thơ kết thúc trong sự hụt hẫng, tiếc nuối và tuyệt vọng. Bà đã cố gồng mình lên giữa thực tại đớn đau, nghiệt ngã nhưng số phận không cho đời người được sống hai lần trong một mùa xuân. Xuân Diệu cũng từng viết:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian.

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Bài thơ ngắn gọn thâu tóm những nỗi buồn của Xuân Hương, của những người con gái hồng nhan bạc mệnh. Những từ ngữ mà tác giả dùng mang đậm chất nghệ thuật và ý nghĩa sâu xa. Từng từ, từng từ rất trau chuốt, thể hiện đúng tâm trạng của nhà thơ, đồng thời nói lên số phận hẩm hiu của kiếp hồng nhan khi phải trơ mình với nước non. Cho tới bây giờ và mai sau, bài thơ sẽ vẫn còn nguyên giá trị, và ngôn từ trong bài cũng vẫn mang nét đẹp trọn vẹn, thuần túy.

>>> XEM THÊM: 

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục