Đề bài: Soạn bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Câu 1.
Cách dùng số từ, danh từ trong câu thơ thứ nhất và nhịp điệu hai câu thơ đầu có gì đáng chú ý ? Hai câu thơ ấy cho ta hiểu hoàn cảnh cuộc sống và tâm trạng tác giả như thế nào ?
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Số từ ở đây là "một", mỗi thứ đều chỉ có một nhưng tác giả không dùng chung cùng một số từ mà lại liệt kê ra từng thứ. Điều đó làm cho nhịp điệu câu thơ trở nên chậm rãi, thể hiện tư thế ung dung, tự tại với tâm trạng thư thái, thanh thản.
Cách dùng số từ như trên đã thể hiện hoàn cảnh sống của tác giả lúc này rất tự do tự tại, rất đơn sơ giản dị và đậm chất chân quê. Tuy nhiên ông không thấy đó là sự khó khăn, nghèo nàn, mà ngược lại ông hài lòng và thỏa mãn với những gì mình đang có.
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào,
Vị quan thanh liêm đã cáo lão về quê ở ẩn, ông không màng đến danh vọng không phải vì ông không còn tình yêu với đất nước mà vì ông muốn tìm cho mình một chốn bình yên để cống hiến hết những gì mình còn có thể làm cho đất nước.
Nhàn
Câu 2.
Anh chị hiểu thế nào là nơi "vắng vẻ", chốn "lao xao" ? Quan điểm của tác giả về "dại", "khôn" như thế nào ? Tác dụng biểu đạt ý của nghệ thuật đối trong câu thơ 3 và 4 ?
Khi sáng tác bài thơ này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trải qua một thời gian dài làm quan trong triều đình. Ông quá hiểu cuộc sống nơi quan trường như thế nào. Trung thần thì ít mà gian thần thì quá nhiều. Chính vì vậy, quan điểm nơi "vắng vẻ" và chốn "lao xao" cũng được bắt nguồn từ nỗi lòng của ông. Có thể hiểu nơi "vắng vẻ" là nơi cách xa chốn quan trường, không liên quan hay dính líu tới những chuyện của triều đình nữa. Ngược lại, chốn "lao xao" chính là chốn quan trường, nơi mà người ta luôn bon chen, nịnh bợ, luôn giả dối để được hưởng bổng lộc của triều đình.
Trong khi ai ai cũng mong ước được làm quan trong triều, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm – một vị quan lớn lại từ chức tìm về nơi "vắng vẻ" để sống một cuộc sống mới của chính mình. Ông tự nhận mình là "dại" và chỉ có những kẻ trong triều đình kia mới là "khôn".
Tuy nhiên, sự thật trong cách nói của tác giả lại nêu lên một tình trạng hoàn toàn ngược lại. "Dại" ở đây còn là sự nhún nhường, ông không muốn phải tranh đua, phải bon chen ở chốn quan trường nữa, ông không hứng thú với danh vọng, với tiền của như nhiều người ước mong được làm quan để hưởng lộc. Ông lui về nơi quê nhà, nơi yên tĩnh để sống phần đời còn lại.
– Phép đối lập trong hai câu thơ 3 và bốn : dại >< khôn, nơi vắng vẻ >< chốn lao xao. Sự đối lập đã thể hiện rõ tư tưởng của nhà thơ : Ông đã sẵn sàng từ bỏ chức quan lớn của mình để về ở nơi quê nhà giản dị, đơn sơ, không tiền tài địa vị nhưng được thoải mái, tự do.
Câu 3.
Các sản vật và khung cảnh sinh hoạt trong hai câu thơ 5,6 có gì đáng chú ? Hai câu thơ cho thấy cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào ? (Quê mùa, khổ cực ? Đạm bạc mà thanh cào ? Hòa hợp với tự nhiên ?). Phân tích giá trị nghệ thuật của hai câu thơ này.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Chỉ hai câu thơ ngắn gọn, tác giả đã miêu tả đầy đủ nếp sống và cảnh vật bốn mùa xuân hạ thu đông. Điều đáng chú ý là mọi thứ đều xuất phát từ tự nhiên, có gì dùng nấy, không cầu kì hoa mỹ. Cuộc sống tuy đơn giản nhưng không hề khó khăn, thiếu thốn, ngược lại rất đạm bạc và thanh cao, thể hiện Nguyễn Bỉnh Khiêm là người luôn hòa hợp với tự nhiên. Ông sống điềm đạm với tâm hồn trong sáng, yêu thiên nhiên cũng là yêu đất nước. Vì thế, khi về ở ẩn rồi, ông vẫn góp sức dạy dỗ những lớp trẻ thành người có tài, có đức.
– Nghệ thuật đặc sắc trong hai câu thơ càng làm ý thơ thêm đẹp với giọng điệu rất sang dù những thứ được nhắc đến rất đơn sơ, giản dị. Đó cũng chính là nét đẹp trong tâm hồn của thi nhân : thanh cao, trong sạch và thuần khiết.
Câu 4.
Đọc chú thích 4 để hiểu điển tích được vận dụng trong hai câu thơ cuối. Anh chị cảm nhận như thế nào về nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Tác giả có ý dẫn đến Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe, rồi mơ thấy mình ở nước Hòe An, được công danh phú quý rất mực vinh hirn, Sau bừng mắt tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng, thấy dưới cành hòe phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý : phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
Qua cách sử dụng điển trên, ta thấy nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất đáng trân trọng và noi gương. Ông về quê ở ẩn không phải vì ông không muốn lo cho đất nước nữa, mà là ông muốn có một cuộc sống thanh thản hơn để lo cho đất nước tốt hơn.
Câu 5.
Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm :
Xa lánh nơi quyền quý để giữ cốt cách thanh cao và hòa hợp với tự nhiên.
Quan điểm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất tích cực. Vì ông không ham mê danh lợi, không cũng muốn bon chen chốn quan trường để làm mất đi tấm lòng trong sạch của mình. Đồng thời ông cũng sống rất hòa hợp với thiên nhiên.