Đề bài: Suy nghĩ về sự nghèo đói
Nếu so sánh đất nước ta ở thời điểm hiện tại với cách đây ba mươi năm về trước thì chúng ta có thể nói là đã có những bước phát triển vượt bậc ở nhiều mặt, đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Nước ta đã gia nhập vào nhiều tổ chức kinh tế của thế giới và của khu vực như APEC (diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương), ASEM (hiệp hội kinh ế Á-Âu), ASEAN (hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), WTO ( tổ chức thương mại thế giới), TPP ( hiệp hội đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương),…Đời sống nhân dân được cải thiện, tạo điều kiện và động lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, kinh tế bị tàn phá nặng nề, cho đến nay việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hơn nữa, nước ta là nước có 90% dân số làm nông nghiệp, sản xuất vẫn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, mà theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng thủy văn thì Việt Nam là một trong năm nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, thiên tai lũ lụt liên miên cùng với bệnh tật hoành hành, việc khắc phục hậu quả thì kéo dài cho nên trên dải đất hình chữ S của chúng ta, ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, tình trạng nghèo đói còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, nhiều đồng bào của chúng ta cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh tật không có tiền chữa, các em nhỏ không được đến trường.
Khi con người ta mỗi ngày đều phải thức khuya dậy sớm, lao động nặng nhọc, không có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn thiếu thốn đủ đường, đói ăn, thiếu mặc, không được học hành, không được vui chơi. Đó chính là nghèo đói. Như vậy, nghèo đói là sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần của con người. Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy xuất hiện nhiều con người nghèo khổ, họ có cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ bề, từ miếng ăn đến những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Đồng hành với nghèo đói luôn là cuộc sống tù túng do thiếu hiểu biết hay còn gọi là sự ngu dốt, ấu trĩ, lạc hậu. Người nghèo luôn là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội nhất, dễ bị tổn thương nhất. Nghèo đói khiến cho bức tranh xã hội trở nên tối tăm, khiến cho đất nước tụt hậu so với thế giới. Chẳng thế mà Bác Hồ của chúng ta đã coi nghèo đói và ngu dốt là giặc “giặc đói, giặc dốt”. Sự nghèo đói đó là vấn đề mà ngày nay Đảng và nhà nước ta vẫn luôn cố gắng đưa ra nhiều biện pháp khắc phục để cải thiện cho cuộc sống của nhân dân, cố gắng để đưa những người nghèo thoát khỏi cái nghèo bằng cách cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ nhà, tạo công việc để người nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống của mình.
Mặc dù vậy,sự khó khăn, khổ cực, cái nghèo vẫn luôn bủa vây lấy nhiều số phận, khiến phải chịu cảnh cơ hàn, thiếu thốn đến cùng cực. Người nghèo không phải vì họ lười lao động mà thậm chí là phải cực nhọc từng giờ lo từng miếng cơm, manh áo. Con cái của những người nghèo thường mất đi tuổi thơ, không được vui chơi, thậm chí chẳng được học hành vì còn phải giúp đỡ cha mẹ lao động kiếm miếng ăn hàng ngày. Như những người nông dân, quanh năm phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để có bát cơm, miếng gạo lo cho cuộc sống của mình, quanh năm cày cấy, gặt hái, vất vả để có được nguồn thu nhập, để sinh tồn. Vất vả, cơ cực là vậy nhưng tại sao nghèo khó vẫn cứ bủa vây cuộc đời họ khiến họ cứ mãi loay hoay trong sự đói và nghèo? Đó là vì, lao động thì quanh năm, tài sản tích luỹ được của người nghèo chỉ cần một cơn hạn hán hay bão lũ hoặc một cơn bạo bệnh là họ lại trở nên trắng tay. Nghèo đói cũng khiến xã hội trở nên loạn lạc, khó kiểm soát, bởi nghiều người vì cuộc sống quá khó khăn, vì miếng cơm, manh áo mà họ đã bất chấp đạo đức luân lí xã hội, bất chấp pháp luật như : trộm cắp, buôn lậu, lừa đảo,… người nghèo chính là đối tượng dễ bị những kẻ xấu, bọn phản quốc lợi dụng để lôi kéo, truyền bá những tư tưởng phản động bởi sự thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin của họ. Như vậy với một xã hội, một đất nước mà còn có nhiều người nghèo thì khó mà có thể phát triển được. Sự nghèo đói là nguyên nhân khiến kinh tế đất nước lạc hậu, phải phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, bị nước ngoài chi phối về kinh tế, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất nước, mất quyền tự chủ, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào nước ngoài.
Chính vì thế muốn phát triển đất nước giàu mạnh, những người lãnh đạo đất nước cần có tầm nhìn chiến lược để phát triển kinh tế xã hội, nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị lệ thuộc. Mỗi người trong chúng ta cũng cần có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái với những hoàn cảnh khó khăn bằng những hành động thiết thực: ủng hộ quỹ vì người nghèo, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng núi, vùng khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, giúp đỡ người nghèo bằng những gì có thể để không có ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta không nên có thái độ miệt thị hay quay lưng lại với khó khăn của người khác. Quan trọng hơn, bản thân mỗi người nghèo cần phải có ý chí vươn lên thoát nghèo, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, phải có tinh thần tự lực cánh sinh, không vì được người khác quan tâm giúp đỡ mà sinh ra ỷ lại, lười lao động. Không thể lấy hoàn cảnh nghèo khó để đổ lỗi hay nguỵ biện cho sự lười biếng, dựa dẫm, thiếu ý chí và nghị lực của mình. Mỗi khi công việc không thành, mục tiêu không đạt được, con người thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho số mệnh, mà không nhìn lại bản thân mình đã mắc lỗi ở đâu . Nhiều người thường than thở rằng, vì nghèo mà họ không có điều kiện để học giỏi, vì nghèo nênphải đi ăn xin, thậm chí ăn cắp để tồn tại, vì nghèo nên bị người khác coi thường, xa lánh, bạo hành… Những điều đó có phần đúng, nhưng không phải là lí do chính đáng. Trên thực tế, chúng ta thấy nhiều người nghèo vẫn tự lao động kiếm sống và thành công.
Mỗi chúng ta cầ có ý thức lao động sáng tạo để tạo nên cuộc sống đầy đủ cho bản thân và đóng góp một phần nào đó cho xã hội. Thay vì ngồi than thở, trách móc số phận, hãy xem những khó khăn, thất bại mà bản thân gặp phải là động lực để ta vươn lên . Chịu khó học hỏi làm giàu vốn kiến thức của chính mình, sẵn sàng chấp nhận cái mới, sự thay đổi, đừng mãi đổ lỗi cho hoàn cảnh và số mệnh. Có như vậy chúng ta mới thoát nghèo bền vững và đem lại sự phát triển hưng thịnh cho đất nước.
>>>XEM THÊM:
-
Nghị luận về tác hại của rượu
-
Nghị luận xã hội về Sống có trách nhiệm
-
Nghị luận xã hội về Tác hại của nghiện game