Đề bài: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào ?
Trình bày vắn tắt và nêu dẫn chứng minh họa
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7 – 1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Một trang sử mới của đất nước được mở ra. Nhưng chính trong giây phút vui mừng khôn xiết vì chiến thắng lại là lúc cuộc chia ly đẫm nước mắt và đầy xúc động giữa quân và dân Việt Bắc diễn ra. Nhân sự kiện có tính thời sự lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc với giọng điệu và ngôn từ rất đơn sơ, giản dị, gần gũi. Bài thơ như khúc hát vừa gợi lên lịch sử đấu tranh của dân tộc, vừa thấm đượm tình người thiết tha, trìu mến. Tất cả những điều đó đã làm nên một tác phẩm mang đậm tính dân tộc và dễ dàng đi sâu vào lòng bạn đọc. Mà ở đó, tác giả cũng chính là một trong những người đã anh dũng, kiên cường tham gia chiến dịch tới cùng và quyết không bỏ cuộc để đến ngày được cầm bút viên thi phẩm mang tên Việt Bắc.
Tính dân tộc trước hết được thể hiện ở nội dung bài thơ. Tác giả đã gợi nhớ người đọc đến Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mười lăm năm – khoảng thời gian xuyên suốt cuộc kháng chiến đằng đẵng những tháng ngày mà nhân dân ta phải chứng kiến cảnh đạn bom dội xuống phá hủy từng ngôi làng, cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu con người vô tội. Người nằm xuống, vĩnh viễn ra đi, người bỏ lại một phần cơ thể mình, tiếp tục sống với một hình hài không còn lành lặn. Gia đình li tan, con thơ mất mẹ, trẻ đói lòng khát sữa bơ vơ… Nhưng vượt qua hết tất cả những nỗi đau mất mát ấy, quân và dân ta vẫn luôn sát cánh bên nhau, luôn quyết tâm đánh đuổi kẻ thù. Dù có phải chết, niềm quyết tâm ấy vẫn luôn rực sáng. Đó cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi vẻ vang.
Việt Bắc
Nhà thơ Quang Dũng cũng viết về sự hi sinh của người lính trong bài thơ Tây Tiến :
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
(Tây Tiến)
Các anh đã ra đi bỏ lại bao ước mơ, hoài bão của đời trai trẻ, nguyện cống hiến máu xương mình cho Tổ quốc thân yêu. Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu không nhắc nhiều đến những đau thương ấy, nhưng ta vẫn hiểu có chiến tranh nào không có máu đổ ? Nhưng đằng sau những sự hi sinh ấy là lòng quyết tâm vô cùng lớn lao, là tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, da diết. Tình yêu ấy đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào năm 1954. Đây là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước ta, là minh chứng cho tình yêu và tình đoàn kết của quân, của dân. Để ghi lại sự kiện vẻ vang này, nhà thơ Tố Hữu đã đặt bút viết lên bài thơ Việt Bắc thấm đượm bao ân tính nồng thắm, thiết tha với những kỉ niệm đơn sơ, giản dị nhưng chân chất đầy tình yêu thương :
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Hay :
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng
Ai về ai có nhớ không ?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà…
Và rồi, sau những đêm hành quân rầm rập như là đất rung, nhân dân ta đã đạt được thành quả xứng đáng :
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Những địa danh đã ghi dấu ấn cho lịch sử nước nhà. Sau chiến thắng đó, nhân dân ta lại tiếp tục bắt tay vào chiến dịch Thu – Đông:
Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Điều quân chiến dịch Thu – đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…
Cuộc chiến thắng lợi, nhân dân bắt tay vào việc dựng xây cuộc sống mới, khôi phục lại các tuyến đường chính và mở lại trường học để các em được cắp sách tới trường. Những sự kiện ấy đều được Tố Hữu ghi lại trong bài thơ như một trang sử hào hùng của dân tộc.
Ngoài ra, tính dân tộc của tác phẩm còn được thể hiện rất rõ qua phong cách thơ, ngôn ngữ, giọng điệu trong bài. Tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát với vần điệu rất dễ nhớ, dễ thuộc lòng. Thơ lục bát được sử dụng phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam, là thể thơ mang đậm tính dân tộc được nhân dân sử dụng bao đời nay trong những bài ca dao, dân ca. Đặc biệt, cặp từ đại từ xưng hô “mình – ta” xuyên suốt bài thơ càng làm cho sự thân thiết, gần gũi trở nên gắn bó, thân thương.
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.
Từ ngôn từ cho đến giọng điệu đều mang đậm chất tính dân tộc với hàng loạt những hình ảnh dân giã, quen thuộc : Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn, mái đình, cây đa, mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù, miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai… Tất cả những hình ảnh ấy đều rất thật và trong giây phút chia ly này, mọi thứ dù đã đi qua những sẽ mãi là kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm mỗi người. Những câu thơ, những hình ảnh, những điệp từ còn làm cho bài thơ mang đậm tính nhạc điệu, như một bài hát thiết tha ân tình cất lên từ chính cõi lòng những con người yêu quê hương, yêu cách mạng, và cũng là tiếng lòng của chính nhà thơ Tố Hữu – vị đại thi hào của dân tộc Việt Nam.
Nhớ về Việt Bắc
Bài thơ khép lại nhưng vẫn mãi là một trang sử hào hùng cho thế hệ sau noi theo. Trong đó vừa có niềm tự hào tự tôn dân tộc, vừa có sự khích lệ tinh thần cho thế hệ hôm nay hãy luôn yêu thương nhau, luôn đoàn kết và cố gắng cống hiến hết sức mình, tiếp bước cha anh dựng xây một đất nước ngày một văn minh hơn, giàu đẹp hơn. Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng đã lấy đi mạng sống của biết bao nhiêu cuộc đời nhưng cũng là cơ hội để cho hàng nghìn cuộc đời sau này được lớn lên, được vui sống trong hòa bình, hạnh phúc. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, kiểu kết cấu đối đáp, ngôn ngữ đậm sắc thái dân gian – tất cả đã góp phần khắc sâu lời nhắn nhủ của Tố Hữu : Hãy nhớ và phát huy truyền thống quý báu anh hùng bất khuất, ân nghĩa thủy chung của cách mạng, của con người Việt Nam.
>>> XEM THÊM :
-
Cảm nhận về hình tượng thiên nhiên và con người Việt Bắc
-
Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính
-
Phân tích hai khổ thơ đầu bài Từ ấy