Thu, 08 / 2018 1:56 pm | admin

Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Nhờ có những nhà thơ nhà văn giàu tâm huyết, giàu sức sáng tạo mà văn học cũng trở thành một phần của lịch sử vẻ vang chất chứa bao niềm tự hào tự tôn dân tộc của một thời chiến đấu oanh liệt trên non sông Việt Nam. Và Tây Tiến của Quang Dũng chính là một trong những trang sử hào hùng như thế. Bài thơ viết về những người lính Tây Tiến quả cảm, giàu đức hi sinh và tác giả Quang Dũng cũng là một người lính trong đoàn quân ấy. Họ sinh ra từ khắp các miền trên tổ Quốc nhưng khi đi chung trên con đường hành quân giải cứu đất nước, họ luôn đồng lòng, luôn sẵn sàng vì một ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Dù có người đã ngã xuống, có người đã bỏ lại một phần thi thể mình trên chiến trường xa xôi, nhưng trên hết, vẻ đẹp bi tráng của họ vẫn còn mãi trong lòng hậu thế đến tận muôn đời.

Những người anh hùng ấy luôn kiên cường, bất khuất, luôn dũng cảm sẵn sàng hi sinh mạng sống mình vì hai chữ “tự do” cho đất nước. Tây Bắc – nơi rừng thiêng nước độc, địa hình hiểm trở với vô vàn khó khăn nhưng bước chân các anh vẫn bước đều đều. Để đến khi hòa bình lập lại, người hi sinh, người về với quê hương, trong những giây phút hồi nhớ lại kí ức, nhà thơ Quang Dũng lại dâng trào bao xúc cảm mến thương. Ông cầm bút viết lên bài thơ mang tên của đoàn quân Tây Tiến với những vần thơ rất chân thành và giàu cảm xúc:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Loading...

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.


vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính

Tây Tiến

Tây Bắc càng hiểm trở, gian nan, hình tượng người lính lại càng xuất hiện với tư thế hiên ngang, oanh liệt. Những con dốc khúc khuỷu, thăm thẳm có thể làm bước chân ai đó trượt ngã bất cứ khi nào nhưng các anh vẫn đi, vẫn hành quân ngày đêm không ngưng nghỉ. Bởi ở phía trước kia là tiếng gọi của đồng bào, của nhân dân, của hàng ngàn em nhỏ đang chờ đạn bom ngưng lại để được cắp sách tới trường. Câu thơ Heo hút cồn mây súng ngửi trời một mặt thể hiện sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc với những ngọn núi cao lên đến tận trời, mây mù phủ trắng đường anh đi, nhưng mặt khác lại tô đậm thêm cho hình ảnh hùng tráng của người lính Tây Tiến. Họ vẫn luôn vững bước giữa muôn nghìn khó khăn gian khổ. Đời trai trẻ anh mang bao mộng ước nhưng tiếng gọi của quê hương, của nước nhà vẫy gọi, anh đành gác lại để vác súng lên vai lên đường nhập ngũ. Để rồi:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Ai có thể chủ động được cái chết của mình đâu anh! Nhưng cái chết có là gì khi anh luôn sẵn sàng đối đầu với nó. Trên bước đường hành quân khi mệt mỏi, anh dừng chân lại, không bước nữa bỏ quên đời. Câu thơ đã gợi lên sự bi tráng của người anh hùng. Cái chết đối với anh nhẹ tựa lông hồng. Và trong những khoảnh khắc cuối cùng ấy, anh vẫn giữ vững súng mũ bên mình như một lời tâm nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sự hi sinh thật lớn lao, cao cả biết chừng nào.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Những người ở lại vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi tìm hòa bình cho đất nước. Tiếng thác gầm lên như một bản hùng ca ngay dưới chân người lính. Đêm xuống, thú rừng rình rập đoàn quân. Dẫu nguy hiểm là thế, nhưng không một ai nhụt ý chí hay nao lòng.

Thậm chí, có những lúc các anh vẫn sống đời trai trẻ mộng mơ, tươi vui của mình giữa muôn ngàn hiểm nguy lẫn gian khổ:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Len lỏi giữa núi rừng Tây Bắc, những người lính trẻ dường như đang đến với một thế giới khác. Một thế giới rất yên bình, hạnh phúc, chỉ có tình người, có tiếng cười hiền hậu trong những khúc nhạc, điệu múa dịu dàng e ấp của bản làng Tây Bắc thân yêu. Để rồi, khi trở lại với cuộc hành quân, người lính lại trở về với tư thế hiên ngang bất khuất hơn bao giờ hết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính

Áo bào thay chiếu anh về đất

Trong giọng điệu sôi nổi hào hùng, hình tượng người lính vẫn hiện lên rất bi tráng, rất oanh liệt. Dù luôn phải đối mặt với bệnh tật, với những cơn sốt rét rừng nhưng các anh vẫn không bao giờ nản chí hay lùi bước. Từ trong câu thơ của Quang Dũng, người đọc hiểu rõ rằng sương gió nơi rừng thiêng nước độc cùng những cơn sốt run người trong đêm khiến cho người lính trở nên gầy gò, xanh xao, rụng tóc. Nhưng bằng ý chí kiên cường, bằng tình yêu đất nước, và tình yêu bao la dành cho hậu thế, hình tượng người lính hiện lên vẫn rất nghiêm trang, mạnh mẽ và không thiếu phần hài hước:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Cụm từ không mọc tóc có vẻ như người lính không thèm mọc tóc chứ không phải do tóc không mọc được. Điều đó cho thấy các anh rất sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả trong dáng vẻ xanh xao, họ cũng vẫn xanh theo cách riêng của mình, theo đúng phong cách mà một người chiến sĩ có lòng yêu nước nồng nàn: kiên cường, bất khuất. Vì nhân dân, vì đàn em nhỏ đang ao ước được đến trường và vì một bóng hình thân thương của người con gái nơi quê nhà, bước chân anh vẫn luôn bước không ngừng. Chân anh đi qua bao sỏi đá, bao ngọn đồi ngọn núi. Đầu anh vượt qua bao đám mây mù, sương phủ. Cơ thể anh trải qua bao cơn sốt rét cùng với vết côn trùng cắn… Và khi đêm xuống, trái tim anh lại lặng lẽ, lại bình yên khi nhớ về dáng dấp của người con gái anh yêu nơi quê nhà xa xôi. Đời lính thật vất vả gian nan, nhưng cũng thật tuyệt khi anh được hiến thân mình cho đất nước, cho Tổ quốc, cho hàng nghìn em nhỏ ngây thơ. Có lời văn nào, câu thơ nào có thể diễn tả được hết những gì mà các anh đã hi sinh?

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Giọng thơ vẫn hào hùng, và dù có thấp thoáng nỗi đau của người ở lại nhưng trên hết, sự hi sinh của các anh là một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng và cao đẹp. Anh bỏ lại đời xanh, bỏ lại lời hẹn thề của mối tình dang dở. Anh hi sinh tất cả những hoài bão, những ước mơ đẹp đẽ của một đời trai trẻ. Giữa núi rừng xa thẳm, không người thân đưa tiễn, chỉ có anh em đồng đội thay gia đình chào anh lần cuối. Anh nằm xuống giữa tiếng sóng gầm của sông Mã oai linh. Cuộc hành trình giải phóng đất nước xin gửi lại anh em bạn bè…

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Nhà thơ không đi qua sâu vào sự hi sinh của người lính. Nhưng không phải vì thế mà hình ảnh các anh bị phai mờ theo năm tháng. Ngược lại, các anh vẫn luôn hiện hữu, luôn tồn tại trong hình tượng rất bi tráng và rất đỗi gần gũi, thân thương. Điều đó càng làm cho Quang Dũng nhớ về Tây Tiến, và làm người đọc càng cảm động hơn về hình ảnh những người lính kiên cường đã hi sinh thân mình cho đất nước.

Sau tất cả, vẻ đẹp bi tráng của đoàn quân Tây Tiến vẫn luôn xuyên suốt bài thơ, xuyên suốt theo chiều dài của đất nước. Sau này và mãi mãi, hậu thế luôn nhớ về các anh.

>>> XEM THÊM: 

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục