Thu, 08 / 2018 2:02 pm | admin

Vẻ đẹp hình tượng người nông dân trong văn tế nghĩa sĩ cần giuộc

Bài Làm

Vẻ đẹp hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thế kỉ XIX, là niềm tự hào của nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Thơ văn của ông là nỗi niềm của một tấm lòng yêu nước, con người sâu sắc trong cảnh mù lòa. Viết về nhiều đề tài khác nhau nhưng có lẽ luôn sát cánh vẫn là những vần thơ chống giặc, cổ động tinh thần yêu nước cùng nhân dân. Đặc biệt, Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho người nông dân một vị trí hiếm có trong sự nghiệp sáng tác của mình. Và "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là một tác phẩm tiêu biểu thể hiện một cái nhìn mới về hình tượng người nông dân – người anh hùng của nhà thơ xứ mù Đồng Nai.

Bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ra đời đã khẳng định sự thành công trong ngòi bút văn tế của Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn được viết sau đêm ngày 14 tháng 12 năm 1861, tế vong linh những người nghĩa sĩ nông dân đã tham gia tấn công đồn giặc Pháp ở Cần Giuộc. Có thể nói, đây là lần đầu tiên người nông dân đi vào thơ ca với tư cách người nghĩa binh chống giặc cứu nước. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất vốn có ngoài đời của họ. Đồng thời cũng thể hiện một quan niệm rất mới về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu mà người đọc chưa từng thấy trong văn học yêu nước đương thời. Vậy điểm khác ở đây như thế nào? Trước kia khi xây dựng hình tượng người anh hùng, nhà văn thường tập trung thể hiện những bậc hào kiệt, những con người kiệt xuất lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân. Còn đến với văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, hình ảnh về người anh hùng không có gì xa lạ mà ngay trong bản thân những người nông dân hiền lành, chất phác, yêu nước sâu nặng. 

Như vậy, vẻ đẹp hình tượng người nông dân trước hết được thể hiện ở tính cách cần cù, chịu thương chịu khó, chất phác: "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó", làm ăn "chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung, chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ". Họ là lớp người vô danh "chân lấm tay bùn" chỉ biết "việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm. Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó". Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của những con người lao động âm thầm cống hiến, mang lại sự sống, phát triển cho hàng ngàn năm của đất nước. Vì sao ư, vì chính họ đã lao động, sản xuất ra của cải vật chất để duy trì và phát triển đời sống của dân tộc, nhất là với một đất nước sống dựa vào nông nghiệp là chủ yếu như Việt Nam chúng ta. Nhà văn đã phát hiện và xây dựng được hình tượng người anh hùng nông dân áo vải. Đây không phải là một cá nhân cụ thể mà đó là cả một tập thể những anh hùng, họ là những người nghĩa sĩ Cần Giuộc. 

Loading...

Yêu nước sâu sắc, đó là vẻ đẹp mà người đọc chúng ta ai cũng nhìn thấy của những người nông dân Cần Giuộc. Khi đất nước, quê hương bị giặc xâm lược, những người "dân ấp dân lân" ấy đã anh dũng đứng lên "mến nghĩa làm quân chiêu mộ" đánh giặc để cứu nước nhà, để bảo vệ "bát cơm manh áo ở đời" là cái nghĩa lớn mà họ mến và theo đuổi. Không thấy vua quan đâu, họ tự ý thức được sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc của mình. Họ đã rơi vào bi kịch là bị quan quân triều đình bỏ rơi, phải một mình chống cự với quân thù. Đơn độc trong cuộc chiến, họ thiếu thốn về mọi mặt: kinh nghiệm, quân trang khi mà "ngoài cật chỉ có một manh áo vải", đánh giặc bằng những vũ khí quá đỗi thô sơ: "rơm con cúi, dao phay…". Chao ôi, trong khi giặc Pháp là "đạn nhỏ, đạn to", "tàu thiếc, tàu đồng"… Xét về lực lượng, họ kém giặc Pháp rất nhiều. Thế mà họ vẫn lập được chiến công chém rớt đầu quan hai nọ và đốt xong nhà dạy đạo kia. Vì sao họ có khí thế ấy, đó chính là vì lòng yêu nước sôi sục, căm thù giặc đến tận xương tủy. "Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ". Nhà văn đã tái hiện lại cuộc chiến đấu với sức mạnh quật cường và khí thế chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Cần Giuộc. "Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không ; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có". Các nghĩa sĩ coi cái chết như không, tấn công như vũ bão vào đồn giặc. Lòng yêu nước của họ thật cảm động, nó thậm chí không thể có được ở những bậc quân vương đương thời. Tình yêu đất nước hòa với tình yêu làng xóm tổ tiên. Mạnh mẽ trong ý chí, can trường quả cảm trong chiến đấu. Hình ảnh họ xả thân sống mái với quân thù khiến chúng phải hồn bay phách tán.

Tuy nhiên, bi kịch cuối cùng là điều không thể tránh khỏi : những người nghĩa sĩ nông dân phải bỏ mạng chốn xa trường. Họ đã hi sinh để lại muôn vàn mất mát. Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng tinh thần yêu nước không mất đi. Các nghĩa sĩ đã sống anh dũng, chết vẻ vang. Tấm lòng chiến đấu và hi sinh của họ là tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm đời đời bất diệt, sáng rực mãi, trường tồn cùng sông núi. Sống hiên ngang, chết bất khuất. 

Với một giọng văn hào hùng, phép đối tài tình, các động từ mạnh được chọn lọc và đặt đúng chỗ đã tô đậm tinh thần chiến đấu quả cảm vô song của các nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác giả đã dành cho những người nông dân tình cảm đẹp nhất, khâm phục, ngợi ca, tự hào. Qua đó, ta thấy được lần đầu tiên hình tượng người nông dân đi vào thơ văn với tầm xứng của các anh hùng dân tộc, những anh hùng xuất thân từ tầng lớp nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, dường như chỉ biết việc cày cấy vậy mà khi có giặc xâm lược, họ đã anh dũng đứng lên một cách tự nguyện và hăng hái, chiến đấu quên mình cho nền độc lập dân tộc. "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp được trả thù kia…". Ra đi, họ vẫn còn lo cho nước, cho dân. Tình cảm thiêng liêng ấy còn theo họ đến tận chốn thiên đường đầy ánh sáng. Tuy họ không còn nữa nhưng ý chí chiến đấu của họ, tấm gương của họ vẫn còn mãi để nêu gương cho người sống, động viên cổ vũ cho mọi người tiếp tục chiến đấu để trả thù quân xâm lược. Hình ảnh họ đã trở thành bất hủ, là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước anh hùng. 

"Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" có thể nói là một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người anh hùng nông dân khởi nghĩa, thể hiện sức mạnh bất diệt của dân tộc ta trong chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm như một bản anh hùng ca ngợi ca vẻ đẹp của những người nông dân yêu nước hiên ngang, dũng cảm. Đồng thời cũng thể hiện niềm biết ơn của Nguyễn Đình Chiểu về những con người vô danh tuy thất thế nhưng vẫn mãi ngân vang và sống mãi trong lòng chúng ta. Tóm lại tác phẩm khẳng định văn chương lỗi lạc và tấm lòng yêu nước thương dân của Đồ Chiểu bằng giọng văn vừa hùng tráng, vừa thống thiết bi ai, tác giả đã dựng lên tượng đài nghệ thuật về người nông dân yêu nước.  

>>> XEM THÊM: 

Loading...
Bài viết cùng chuyên mục